7 dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang “đói” Protein

co the thieu protein

Nguồn protein có thể dễ dàng được chúng ta tìm thấy trong các thực phẩm thường ngày như thịt, trứng, sữa, đậu,… toàn nhữn món khoái khẩu của đa số mọi người. Vậy nên việc thiếu hụt protein trong cơ thể là khá hiếm. NHƯNG không phải là không có. Chính vì vậy, hôm nay, các bạn hãy cùng tui tìm hiểu về việc thiếu protein và những dấu hiệu nhận biết điều đó nhé!

Vậy protein là gì? Protein chính là 1 trong 3 chất dinh dưỡng đa lượng thiếu yếu của cơ thể. Vai trò của protein đối với cơ thể khá quan trọng, nó giúp bạn duy trì và xây dựng khối cơ bắp, giúp sửa chữa mô cơ, duy trì được cân bằng chất lỏng, điều chỉnh hormone và năng lượng cũng như duy trì sức khỏe hệ miễn dịch của cơ thể.

Tuy hầu hết protein có nhiều trong thực phẩm hàng ngày, nhưng với một chế độ ăn kiêng dựa trên nguồn thực vật, ăn liên tục và chẳng khoa học tẹo nào lại sẽ biến thành chế độ nghèo dinh dưỡng, nghèo protein. Khi cơ thể thiếu protein sẽ ảnh hưởng lớn đến các vấn đề về sức khỏe của cơ bắp hay tóc, da, móng; ảnh hưởng về tâm trạng, giấc ngủ, sự tập trung,…. Và điều mà ai cũng biết, nếu thiếu protein sẽ ảnh hưởng lớn đến các buổi tập gym của bạn nữa đấy!

Tại sao cơ thể lại bị thiếu protein?

Như tui đã đề cập ở trên, thiếu hụt protein là khá hiếm, nhưng không phải là không có. Một số trường hợp bị thiếu protein do chế độ ăn uống kiêng khem không khoa học, dẫn tới thiếu chất dinh dưỡng cũng như thiếu protein.

Bên cạnh đó, có một số trường hợp cơ thể bị thiếu protein trong khi bạn vẫn nạp đủ lượng protein cơ thể cần. Lý do vì sao?

Đó có thể bởi vì sự ảnh hưởng của việc hấp thụ thức ăn ở những người gặp vấn đề do các rối loạn đường ruột mãn tính gây ra.

Hoặc có thể protein bị mất đi thông qua thận. Thận được xem là một chiếc rây trong việc lọc máu, với chất thải được bài tiết dưới dạng nước tiểu. Nếu “cái rây lọc ấy” có vấn đề, các phân tử dinh dưỡng có thể đi qua một cách dễ dàng, bao gồm cả protein đấy! Và điều này giải thích cho chúng ta biết lý do tại sao 1 số xét nghiệm chức năng thận có đo lượng protein trong nước tiểu nữa.

Tiếp đến là gan, khi gan đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp protein. Và với bất kỳ tình trạng nào ảnh hưởng đến gan đều có thể làm giảm lượng protein trong cơ thể chúng ta.

Hay với một số loại thuốc như thuốc tránh thai kết hợp cũng có thể là nguyên nhân giảm lượng protein trong cơ thể đấy nhé!

Vậy bạn có đủ protein cho cơ thể của mình chưa? Để làm sáng tỏ điều đó, chúng ta hãy cùng nhau tới với những dấu hiệu giúp bạn nhận biết cơ thể mình đang thiếu protein nhé!

Bạn cần bổ sung protein khi nào?

Hãy chú ý và lắng nghe cơ thể của mình mỗi ngày. Nếu bạn thiếu carb, cơ thể bạn ngay lập tức báo động loạn xạ lên như thường xuyên thấy mệt mỏi, bạn luôn bị căng thẳng hay chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc đau bụng ngày đèn đỏ,…. Thì nếu bạn thiếu protein, cơ thể cũng không chịu ngồi yên mà liên tục phát ra nhiều dấu hiệu nhắc nhở. Vậy nếu bạn gặp 7 dấu hiệu dưới đây thì bạn đừng quên nạp protein ngay cho mình nhé!

Hiện tượng bị phù xuất hiện

Phù có lẽ được coi là một trong những dấu hiệu phổ biến “tố cáo” cơ thể bạn bị thiếu protein.

Phù xuất hiện chủ yếu dễ thấy nhất ở vùng bụng, chân, bàn chân và bàn tay.

Các protein lưu thông trong mạch máu của bạn, đặc biệt là albumin. Đây là một protein giúp giữ cho chất lỏng không bị tích tụ trong các mô của cơ thể. Đó là lý do giải thích vì sao hiện tượng phù lại xuất hiện ở việc cơ thể bạn bị thiếu protein.

Bạn thường xuyên cảm thấy đói bụng

Bởi protein là nhiên liệu của chúng ta, là 1 trong 3 nguồn cung cấp calo cần thiết cho cơ thể của mình, cùng với carbchất béo.

Vì vậy, dù bạn đã ăn bữa chính của mình rồi nhưng vẫn nhanh chóng thấy đói, thì khi đó, cơ thể bạn đang muốn nói: “cho tui thêm protein đi mà!”.

Nghiên cứu protein và năng lượng cho thấy, ăn protein sẽ giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Tuy nhiên, khi cơ thể bạn không được nạp đủ protein cần thiết, bạn sẽ nhanh chóng thèm ăn.

Nhanh đói, thèm ăn cũng có thể sẽ khiến bạn ăn nhiều hơn và là nguyên nhân dẫn tới tình trạng béo phì “bất đắc dĩ” đấy nhé!

Các dấu hiệu trên da, tóc và móng

Nghiên cứu về sự thiếu hụt protein đối với da, tóc và móng cho thấy, da dễ bị bong tróc, tóc mỏng, thiếu bóng mượt và móng tay dễ bị gãy hơn. Điều này xảy ra bởi vì da, tóc và móng được tạo thành từ những protein như elastin, collagen và keratin. Nên khi cơ thể bị thiếu hụt protein, khả năng bị thiếu elastin, collagen và keratin là rất cao, vì vậy mà da, tóc và móng mới trở nên “nhạy cảm” với protein như thế.

Ảnh hưởng tới khối cơ của bạn

Protein là một chất không thể thiếu đối với việc duy trì và phát triển cơ bắp của chúng ta, đặc biệt đối với những người tập luyện thường xuyên. Vì vậy, hậu quả của việc thiếu protein gây ra cho cơ bắp hết sức to lớn. Nó khiến cho các khối cơ không đủ săn chắc, cơ và các khớp dễ bị nhức mỏi, dễ bị thương và phải mất nhiều thời gian mới có thể hồi phục lại được.

Bởi vì, đối với một chế độ ăn uống thiếu protein, cơ thể chúng ta có xu hướng tự lấy đi lượng protein có từ cơ xương mang tới cho mô và những bộ phận khác của cơ thể để duy trì chức năng của các cơ quan đó. Nghiên cứu cho thấy việc tăng lượng protein trong dinh dưỡng cũng như cơ thể sẽ giúp làm chậm quá trình thoái hóa cơ đi kèm với tuổi già của mỗi chúng ta. Vì vậy, hãy bổ sung protein đủ cho cơ thể cần để khi về già chúng ta không sợ những căn bệnh về thoái hóa cơ, đau xương khớp ghé thăm nữa nhé!

Hệ thống miễn dịch của cơ thể kém hẳn đi.

Các bạn có biết, protein ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của chúng ta không? Đó là bởi vì có sự góp mặt của các axit amin trong máu, giúp hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể “đánh thức” các tế bào bạch cầu để chống lại virus hay vi khuẩn đáng sợ.

Như vậy, thiếu protein, ai sẽ “đánh thức” các tế bào bạch cầu để chống lại các tác nhân gây bệnh của chúng ta đây?

Vậy thiếu protein gây ra bệnh gì nhỉ?

Chắc hẳn, khi hệ miễn dịch của bạn bị suy giảm, những căn bệnh như cảm cúm, nhiễm trùng,…sẽ không mời mà đến bất cứ lúc nào chúng muốn. Dẫn chứng cụ thể với nghiên cứu trên những người phụ nữ lớn tuổi, khi họ theo chế độ ăn ít protein trong 9 tuần làm giảm đáng kể phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Điều này chứng minh cho chúng ta thấy rằng, không chỉ thiếu protein làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, mà ngay cả với lượng protein thấp cũng làm giảm chức năng miễn dịch nữa đấy nhé!

Thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon giấc

Nếu bạn bị thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon giấc thì có khả năng liên quan tới tình trạng thiếu protein trong cơ thể của mình rồi đấy!

Trong thực phẩm chứa protein chúng ta ăn uống hàng ngày cung cấp một loại protein chính là tryptophan, nó được xem như một axit amin gây buồn ngủ. Vì vậy, khi cơ thể bạn thiếu hụt protein này sẽ khiến cho bạn lâu vào giấc ngủ hoặc những giấc ngủ chẳng mấy ngon giấc. Điều đó cũng lý giải vì sao trước khi đi ngủ 2 tiếng, uống một ly sữa ấm có thể giúp chúng ta ngủ ngon và say giấc hơn.

Khả năng tập trung kém và tâm trạng trở nên tệ hơn

Não bộ chúng ta sử dụng chất dẫn truyền thần kinh để truyền thông tin giữa các tế bào với nhau. Và một trong số các chất dẫn truyền thần kinh ấy có sự xuất hiệu của protein là serotonin và dopamine. Vì vậy, việc thiếu hụt protein trong ăn uống cũng là lúc cơ thể bạn không đủ cung cấp các chất dẫn truyền thần kinh đó cho não bộ hoạt động, nó dẫn tới mất tập trung, ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn như chán nản và dễ cáu gắt.

Như vậy, khi bạn thấy cơ thể mình có 1 trong những dấu hiệu trên đây thì hãy chú ý bổ sung thêm protein cho cơ thể của mình nhé! Và việc bổ sung protein có phải là tự do không? Hay bạn cần ăn theo hàm lượng nhất định mà cơ thể cần? Chúng ta hãy cùng khám phá hàm lượng protein mà cơ thể cần là bao nhiêu mỗi ngày nha.

Cơ thể bạn cần bao nhiêu protein mỗi ngày?

luong protein cho moi ngay

Không phải ai cũng có nhu cầu protein như nhau. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trọng lượng cơ thể, khối lượng cơ bắp, hoạt động thể chất và ngay cả tuổi tác.

Tuy nhiên, chúng ta có thể nói trọng lượng cơ thể là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến nhu cầu protein bên trong cơ thể mình. Và vì vậy, mức cung cấp hàm lượng protein hàng ngày chung được đề nghị là 0.8g/kg. Tức là với một người nặng 75kg sẽ cần cung cấp cho cơ thể 60g protein một ngày đấy!

Đại Học Y Học Thể thao Hoa Kỳ cũng không quên đưa ra đề nghị về hàm lượng protein hàng ngày dao động từ 1.2-1.4g trên 1kg trọng lượng cơ thể, để duy trì cơ bắp và phục hồi tập luyện thể chất. Hiệp hội Thể thao quốc tế yêu cầu với các vận động viên cần 2g/kg mỗi ngày để có đủ năng lượng cho hoạt động và cơ bắp chắc khỏe hơn.

Tuy nhiên, nếu nói về tuổi tác, người lớn tuổi có nhu cầu protein cao như một vận động viên vậy. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người lớn tuổi nên tăng 1.2-1.5g protein trên mỗi kg trọng lượng cơ thể trong một ngày để duy trì sức khỏe của mình. Và như vậy, các bạn hãy nhớ cung cấp lượng protein cho ba mẹ của mình đầy đủ nhất đấy nhé!

Hãy nói với tui nguồn thực phẩm giàu protein đi nào!

Nguồn protein khá đa dạng trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta thường biết protein tới từ động vật như thịt gà, thịt vịt, thịt ngan, hay cá, tôm, hàu hoặc trứng,… Như vậy, người ăn chay sẽ không nhận được protein sao?

tac dung cua protein

Ăn chay một cách khoa học, bạn vẫn có thể nhận đủ lượng protein cần cho cơ thể đấy! Có rất nhiều thực phẩm giàu protein cho người ăn chay, như đậu phụ hoặc các sản phẩm từ đậu nành là nguồn protein phong phú. Các thực phẩm khác có chứa protein cho người ăn chay nữa như các loại đậu (đậu nành, đậu phộng, đậu xanh, đậu đỏ,…), các loại hạt dinh dưỡng (hạt hạnh nhân, óc chó, hạt điều hay hạt chia, hạt hướng dương,…), ngũ cốc nguyên hạt (như lúa mì, yến mạch, gạo lứt,…) hoặc ngô, bông cải xanh, măng tây và atisô là những loại rau cũng rất giàu protein đấy!

Như vậy, chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm nguồn thực phẩm giàu protein ở khắp nơi quanh mình, từ thực phẩm có nguồn gốc từ động vật hay đến những thực phẩm tới từ thực vật. Vì vậy, nếu bạn là người ăn theo chế độ thuần chay thì cũng không cần lo sợ cơ thể mình bị thiếu protein đâu nhé!

Lời kết

Bài viết này là nguồn kiến thức khá quan trọng không chỉ với tui mà còn với các bạn nữa đấy! Những tác dụng của protein đóng góp cho sức khỏe của chúng ta thật nhiều và như vậy, cơ thể chúng ta không thể thiếu được protein mỗi ngày.

Với 7 dấu hiệu giúp bạn nhận biết cơ thể mình đang thiếu protein trong bài viết này, tui hy vọng các bạn có thể hiểu rõ hơn về cơ thể mình, lắng nghe cơ thể mình mỗi ngày để duy trì sức khỏe thật tốt nhé!

Chúc các bạn luôn khỏe mạnh, cơ bắp “cuồn cuộn” và năng lượng tràn đầy mỗi ngày.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *