Nếu trả lời cho câu hỏi: “người luôn ở bên bạn ngay cả khi vui cũng như khi buồn và chẳng bao giờ phản bội bạn”, thì tui cá chắc nhiều người sẽ trả lời ngay là “rượu” đấy! Nhưng điều đó cũng đúng, kể cả thời hiện đại ngày nay của chúng ta hay thời ông bà cụ kị của chúng ta ngày xưa cũng đều sử dụng đồ uống có cồn lúc vui lẫn buồn.
Vậy ai đã nghĩ ra loại đồ uống có cồn này cho loài người chúng ta?
Theo dấu chân của các nhà khảo cổ, tổ tiên của chúng ta đã truyền lại “bí kíp” làm rượu bia bằng cách chạm khắc chữ tượng hình Summer cổ. Theo đó, bánh mì lên men được xé vụn rồi ngâm vào nước tạo thành nước ủ men, sau thời gian sẽ làm ra được đồ uống có cồn này đấy! Khi sử dụng, tổ tiên của loài người chúng ta phải thốt lên rằng: “uống nó sướng quá, cảm giác vui vẻ, ngạc nhiên rồi sung sướng luôn” – đùa đấy! Tổ tiên không nói vậy, nhưng đó là cảm giác mà tổ tiên kể lại cho chúng ta, và rồi thức uống ấy dần trở thành một loại đồ uống phổ biến cho tới ngày nay.
Bây giờ, các bạn hãy cùng tui khám phá sâu hơn về loại đồ uống có cồn này nhé! Không biết liệu nó có tốt cho chúng ta hay không? Tui cá chắc bạn sẽ phải ngạc nhiên hết lần này đến lần khác về những thông tin bổ ích dưới đây.
Bạn đã sẵn sàng chưa?
Chúng ta cùng bắt đầu thôi nào! Hehe
Mục Lục
Tìm hiểu về đồ uống có cồn – Họ đã làm nó như thế nào nhỉ?
Cảm giác khi bạn cầm chai rượu lên và hiểu rõ về những thông tin mà nhà sản xuất chai rượu ấy cung cấp, nói thật luôn là trông bạn rất “ngầu” đấy! Còn nếu bạn chưa hiểu rõ về rượu thì ngay dưới đây là những điều bạn cần phải biết trước khi thưởng thức 1 ly rượu nhé!
Bạn có hiểu về chai rượu bạn đang cầm?
Đầu tiên, tui xin giới thiệu đại khái cái định nghĩa về rượu trước nha. Như chúng ta đã biết, rượu là sự lên men từ trái cây hay ngũ cốc. Nhưng theo cách hiểu “phức tạp hóa” hơn thì đó là 1 hợp chất hữu cơ chứa nhóm -OH gắn vào các nguyên tử Cacbon. Và trong đời sống chúng ta, rượu được hiểu là đồ uống chứa cồn hay còn gọi là cồn ethanol.
Bây giờ hãy thử cầm chai rượu nhà bạn lên hoặc tưởng tượng cùng tui để tìm hiểu các thông tin về chai rượu mà bạn cần phải biết.
Nồng độ cồn (Alcohol by Volume)
Những ai sành về rượu (lên men) sẽ biết nồng độ cồn cao thường được lên men từ những trái nho chín bởi chúng có hàm lượng đường cao hơn.
Nồng độ rượu lên men tự nhiên thường không vượt quá 20% và với nồng độ rượu lớn hơn 20% thì đó chính là rượu chưng cất.
Đối với rượu vang (hay rượu nho), nồng độ cồn ở Châu Âu cho phép cao nhất ở mức 13.5% trong khi Mỹ lên tới 17%.
Nhà sản xuất / Tên chai rượu: để thể hiện chai rượu này được tới từ thương hiệu nào, thường được đặt trên cùng hoặc dưới cùng của nhãn chai – dễ dàng thấy được với chai rượu vang Pháp. Tuy nhiên, những chai rượu vang tới từ Mỹ, trên nhãn chai thường là tên chai rượu và cũng là tên của nhà sản xuất chai rượu ấy.
Ví dụ một số tên nhà sản xuất rượu vang nổi tiếng như Barton & Guestier (B&G), Penfolds,…
Region (Khu vực hoặc quốc gia): thông tin thể hiện khu vực hoặc quốc gia nào trồng nho để làm rượu vang. Phạm vi trồng có thể rộng lớn như tên một quốc gia, hay hẹp hơn là vùng, tiểu bang hoặc thậm chí là tên của một vườn nho nào đó. Phạm vi càng hẹp thì giá trị của chai rượu càng lớn.
Ví dụ với một chai rượu vang “Chateau Magnol Haut-Medoc Cru Bourgeois” đến từ tiểu vùng Haut-Medoc thuộc bờ trái vùng Bordeaux của nước Pháp, và nổi bật với giống nho Cabernet Sauvignon.
Giống nho hoặc phân hạn.
Đối với dòng rượu mới (New World Wine) như của Mỹ, Úc,… vị trí này sẽ được thể hiện giống nho dùng để làm rượu. Ví dụ như Merlot hay Cabernet Sauvignon,…
Tuy nhiên, đối với dòng rượu truyền thống (Old World Wine) như của Pháp, Ý, Đức,… thì vị trí này sẽ thể hiện phân hạng rượu vang theo quốc gia và theo vùng. Ví dụ như AOC của Pháp hay DOC/DOCG của Ý.
Vintage là gì? Một thông tin quan trọng đối với những ai yêu thích rượu nho đây.
Chai rượu của bạn có vintage không? Hay là multi-vintage? Hay non-vintage (NV)?
Vintage là thuật ngữ chỉ cho bạn biết nho được sản xuất vào năm nào. Với người sành rượu, việc biết được năm sản xuất (vintage) và vùng sản xuất (region) của nho vô cùng quan trọng, vì từ đây có thể quyết định được chất lượng hương vị và giá trị của chai rượu ấy.
1 chai rượu có thể nói lên tới cả vụ mùa nho thu hoạch, thật sự kỳ diệu đúng không các bạn? Để tiếp tục sự hấp dẫn khi tìm hiểu về rượu, tui sẽ đưa các bạn tới những câu chuyện sau.
– Kiến thức về ăn uống lành mạnh:
- Vai trò của nước và những bí mật sắp được bật mí
- Chất béo và cholesterol – Câu chuyện giờ mới kể
- Giải mã carbohydrates – Chìa khóa của một chế độ ăn lành mạnh
Fermented – Lên men và câu chuyện về rượu nhẹ, bia
Ngày xưa, khi mà Hy Lạp và Roman trở thành nền văn minh lớn cũng là lúc rượu vang được coi là đồ uống chính ở thời kỳ này. Mà việc thưởng thức rượu vang của người xưa rất chi là sành điệu, khi họ thêm hương vị thảo mộc như bạc hà hoặc bồ công anh để làm tăng vị ngon của rượu vang.
Hay với những người dân Ai Cập, họ lên men lúa mì để tạo ra bia phục vụ cho giải khát. Cũng như người dân Babylon đã biết sản xuất tới 20 loại bia khác nhau từ việc lên men lúa mì quen thuộc. Và với rượu vang hay bia đều được lên men một cách tự nhiên từ trái cây, ngũ cốc,…
Rượu vang và bia với công thức lên men tự nhiên đã có từ thời xưa mà ngày nay chúng ta vẫn giữ gìn và phát huy. Để các bạn hiểu sơ lược quá trình lên men này, tui lấy ví dụ về rượu vang với bí kíp lên men gia truyền của ông bà tổ tiên xa xưa nhé!
Quá trình lên men rượu
Đầu tiên, để làm ra được chai rượu vang hương vị thơm ngon, việc chọn nho chín, giống tốt là quan trọng nhất. Giá trị của chai rượu phụ thuộc phần lớn vào chất lượng nho mà ta có. Sau đó, việc nghiền nho được thực hiện bằng máy nghiền hoặc máy ép nho (bật mí với các bạn chút xíu, ngày xưa, người ta đổ nho vào một thùng gỗ lớn rồi dùng chân đạp cho nho bể ra đấy). Và tiếp theo là ủ lên men rượu.
Trong quá trình lên men rượu, tùy vào độ axit và đường tự nhiên trong nước nho mà người ta sẽ điều chỉnh cho thích hợp. Rồi tiến hành kiểm tra nồng độ đã đạt tới mức tối đa cho men đó chưa (17% -20% đối với men rượu sâm banh hoặc 5% đối với men tự nhiên) thì sẽ gạn rượu và lọc rượu rồi đóng vào chai.
Và tada, thế là chúng ta có ngay một chai rượu vang cực ngon đấy!
Nhìn thì đơn giản thế thôi nhưng đó là cả một quá trình đòi hỏi thời gian đấy cả nhà ạ. Nếu có thể, các bạn hãy thực hành ngay cho mình một hũ rượu trái cây gia truyền thôi nào! Đảm bảo tết năm nay có rượu ngon đãi khách đấy nhé!
Biết quá trình làm rượu thôi chưa đủ đâu à nha, bạn cần phải biết cách phân loại rượu nữa cơ. Rượu vang lên men tự nhiên thì phải nhắc tới đầu tiên là sản phẩm rượu vang Pháp, theo đó là Ý thường được biết với vang đỏ, rồi đến Đức với vang trắng, nhẹ, mát và có mùi thơm trái cây rất quyến rũ với phái đẹp. Bên cạnh đó cũng có thêm rượu vang từ Mỹ và Úc. Nhưng từ từ đã nào, đây không phải là cách phân biệt rượu theo kiểu sành điệu đâu, mà mẹo nằm ngay mục bên dưới này nè cả nhà ơi!
Các nhóm rượu thuộc dòng lên men thuần túy
Lên men thuần túy hay lên men tự nhiên, người ta biết đến đó chính là các loại rượu vang. Theo 3 phương pháp phân loại rượu vang dưới đây tui xin chia sẻ cho các bạn:
- Theo giống nho: thường là vang trắng, vang đỏ.
- Rượu vang đỏ được sử dụng giống nho đỏ, có vỏ đậm màu như Cabernet Sauvignon, Merlot hay Pinot Noir. Trong quá trình ép nho, người ta sẽ ép luôn cả phần vỏ và thịt của quả nho đó.
- Rượu vang trắng có thể sử dụng nguyên liệu từ nho đỏ hoặc nho trắng như Chardonnay, Moscato hay Riesling. Khác với vang đỏ, vang trắng khi ép nho sẽ chỉ sử dụng phần thịt nho và loại bỏ hoàn toàn vỏ của quả nho đó cho quá trình lên men rượu.
- Theo phương pháp truyền thống lên men và ủ như vang thường sử dụng phương pháp ủ rượu hoặc vang sủi bọt champagne với phương pháp lên men.
- Theo phương pháp thêm các chất phụ gia như đường hoặc tanin,…. Vang khan thường được biết là vang ít ngọt bởi lên men hoàn toàn từ độ ngọt của nho.
Điểm đặc biệt của dòng rượu lên men tự nhiên này chính là nồng độ của nó. Nồng độ rượu của phương pháp này không thể vượt quá 20 độ cho một chai rượu. Vậy khi vượt quá 20 độ thì đó là rượu gì nhỉ? – À, nó sẽ trở thành rượu nặng hay còn được biết tới là rượu chưng cất đấy!
Bạn đã nghe tới rượu chưng cất bao giờ chưa? Nếu chưa thì hãy theo dõi tiếp phần dưới đây nha.
Distilled – Chưng cất và câu chuyện về rượu “nặng”
Rượu nặng / rượu mạnh sinh ra do quá trình chưng cất có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ vào khoảng 800 năm TCN. Việc chưng cất diễn ra phức tạp hơn so với rượu lên men, tuy cũng sử dụng ngũ cốc và trái cây, nhưng người ta sẽ chưng cất rượu đã qua quá trình lên men rượu nhằm mục đích loại bỏ lượng chất lỏng như nước để tăng nồng độ cồn cho rượu.
Nếu bạn không thấy chai rượu ngoại nhà mình nằm trong nhóm rượu lên men tự nhiên, thì chắc chắn đó là một chai rượu mạnh đáng để thử rồi đấy! Tới với các nhóm rượu chưng cất xem có chai rượu nhà bạn trong đây không nhé!
Các nhóm rượu chưng cất
Các nhóm rượu này được chưng cất nên có nồng độ cồn vượt quá 20 độ C. Thuộc nhóm rượu mạnh và cũng có rất nhiều “fan” ưa thích.
Brandy: đầu tiên phải kể đến em này bởi độ nổi tiếng chẳng ai bằng rồi. Đây là rượu mạnh được chưng cất từ rượu vang hay trái cây đã lên men, qua 2 lần chưng cất đến khi được nồng độ là 70 – 80% thì sẽ ủ cho rượu dịu bớt bằng các thùng gỗ sồi qua quá trình oxy hóa, sau đó pha thêm nước cất đến khi được nồng độ cồn khoảng 40%.
Brandy thì có 2 dòng chính là Cognac và Armagnac.
Whiskey: nổi tiếng không kém Brandy, Whiskey được chưng cất khá đặc biệt, tuyệt đối không dùng trái cây, mà thay vào đó là chưng cất từ các hạt lúa đại mạch, lúa mạch đen, bắp, ngũ cốc. Độ cồn của Whiskey thông thường là 40 – 50%.
Rum: với lịch sử rực rỡ trải dài từ Châu Á tới Châu u, Rum được chưng cất từ mía hoặc các sản phẩm của mía, và khi chưng cất đến dưới 95 độ sẽ giảm nồng độ cồn xuống thấp trước khi đóng chai. Nồng độ cồn mỗi chai rượu Rum thường khoảng 40%.
Vodka: dễ yêu dễ chiều chính là em Vodka này đấy! Vodka có thể chưng cất từ bất kỳ nguyên liệu nào mà không “kén cá chọn canh” như những loại rượu mạnh khác. Thường được đóng chai với nồng độ cồn khoảng 40 – 50 độ.
Còn dưới đây là nhóm rượu mạnh dễ bay hơi và có thể tăng thêm vị ngon khi pha với trái cây hoặc loại thức uống khác.
Gin: được sản xuất tại Hà Lan và chưng cất từ các loại hạt như bắp, lúa mạch, lúa mì, lúa mạch đen. Và sau đó trộn với thảo mộc như hạnh nhân, quế, cam, gừng, vỏ chanh để thêm hương vị cho rượu. Nồng độ cồn thường từ 34 – 47 độ.
Tequila: thường được chưng cất từ Avage – được xem là linh hồn của đất nước Mexico. Với hương vị bán ngọt và hơi cay đặc biệt. Nồng độ cồn của Tequila nằm ở khoảng 40 – 50%.
Nhìn thấy nguyên liệu làm rượu chỉ là trái cây và ngũ cốc, nhưng không phải loại rượu nào cũng sử dụng nguyên liệu giống nhau. Vậy để đơn giản hơn, tui có bảng thực phẩm dùng để làm rượu tóm tắt nhất và tổng hợp nhất cho các bạn dễ hiểu hơn đây.
Nguồn thực phẩm được dùng để làm đồ uống có cồn
Bảng tóm tắt sau đây sẽ giúp bạn hình dung về nguyên liệu để làm ra một chai rượu hay bia đấy! Hãy theo dõi phần nguyên liệu này trước khi chúng ta tới với phần rượu đã ảnh hưởng như thế nào với sức khỏe của chúng ta nhé!
Nguồn thực phẩm | Sản phẩm đồ uống có cồn | |
---|---|---|
Nhóm trái cây và nước ép | Cây agave Táo Nho và các loại trái cây khác | Tequila Rượu táo Rượu nho |
Nhóm ngũ cốc | Lúa mạch Bắp Gạo Lúa mạch đen Lúa mì | Bia, kvass Rượu whiskey, whiskey bắp, bia Rượu sake - rượu chưng cất, rượu gạo Whiskey beer và rượu chưng cất |
Nhóm các loại khác | Mật ong Sữa Khoai tây Mía | Rượu vang Kumiss (Koumiss) và Kefir Vodka Rum |
Nhìn vào bảng nguồn thực phẩm để làm ra đồ uống có cồn ở trên, các bạn phải công nhận rằng, đây là những thực phẩm tốt cho sức khỏe, ngay cả cho một chế độ ăn kiêng hoàn hảo ấy chứ. Nhưng tại sao chúng ta luôn nghe đến những điều xấu từ rượu bia? Vậy bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu đồ uống có cồn ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe nhé!
Rượu “len lỏi” vào từng bộ phận cơ thể của chúng ta như thế nào?
Khi rượu được đưa vào cơ thể, chúng sẽ “làn sàn” và tìm đến các bộ phận trong cơ thể của chúng ta. Vì vậy, các bạn hãy cùng tui tìm hiểu xem, khi rượu “gõ cửa” từng bộ phận, thì cơ thể của chúng ta đã phản ứng ra làm sao?
Bắt đầu từ miệng xuống dạ dày
“Nơi tình yêu bắt đầu” chắc có lẽ chính là miệng, đây cũng là nơi đầu tiên có thể “dẫn dắt” rượu vào cơ thể chúng ta. Khi rượu vào đến cổ họng, cảm giác “nồng cháy” của tình yêu cũng được lan tỏa, đó là phản ứng nóng mà rượu mang lại cho cổ họng mỗi khi uống bởi cồn có trong rượu được lan tỏa ra khắp thực quản.
Từ đây, rượu dần dần đi sâu hơn vào cơ thể như tình yêu ngày một đậm sâu theo năm tháng vậy. Và rồi rượu được hấp thu nhanh khi đến dạ dày, 20% rượu khi uống vào sẽ được hấp thu tại đây bởi 1 loại enzyme có tên gọi là dehydrogenase giúp chuyển hóa rượu. Khi cơ thể nạp vào quá nhiều rượu, ở dạ dày không kịp chuyển hóa sẽ được đưa vào máu.
Và từ đây, đường đi của rượu lại tiếp tục ghé thăm các bộ phận của chúng ta.
Ngừng lại ở gan
Hầu hết sau khi uống, rượu bia được hấp thụ qua tá tràng rồi từ đó chảy qua 1 mạch máu lớn và vào gan. Tại đây, rượu được một bạn enzyme ADH chuyển hóa, nhưng sau đó người ta sẽ không thấy hệ quả gì xảy ra và cảm giác đó như một cái gì rất vi mô. Vì mọi thứ diễn ra ở cấp độ này nên chúng ta thường không nhận biết rõ ràng tác động của rượu lên gan, và điều này mang đến nhiều hệ quả. Hãy cùng tui tìm hiểu rõ hơn ở phần sau bạn nhé.
Thông qua hơi thở
Một phần rượu không được hấp thụ và chuyển hóa qua gan sẽ được đi tới tim, tại đây, rượu làm giảm áp lực khiến cơ co lại, khả năng bơm máu sẽ ít hơn một chút so với bình thường và huyết áp giảm xuống tạm thời. Và sau một thời gian, các hiện tượng sẽ trở lại bình thường ngay thôi.
Cùng thời điểm đó, rượu chảy trong máu từ tim qua tĩnh mạch phổi và được đưa tới phổi. Trong quá trình hít vào và thở ra, cơ thể chúng ta nạp nhiều rượu vào trong phổi hơn và khiến cho hơi thở có mùi của rượu. Điều này rất khó khăn cho những ai không muốn người khác biết mình uống rượu đấy!
Và bước đi tiếp theo của rượu sẽ khiến cho một số bạn phải lộ diện rằng: mình đã có một buổi nhậu khá hoành tráng.
Nổi trên bề mặt da
Ngay khi rượu lưu thông trong máu, cùng lúc, nó làm tăng mật độ lipoprotein lên cao, ngoài ra, rượu cũng làm cho máu ít có khả năng đông lại, tạm thời làm cho mạch máu mở rộng, có thể giảm được các triệu chứng đau tim hay đột quỵ.
Cùng lúc đó, dòng máu trở nên ấm áp hơn chảy từ trung tâm cơ thể và dần dần chạy lên trên bề mặt da của chúng ta. Đây là lý do vì sao chúng ta hay nghe mọi người nói: “làm một ly cho ấm người” đấy! Bởi khi này, cơ thể bạn sẽ ấm dần lên.
Và khi cơ thể trở nên ấm hơn cũng là lúc bạn đang bắt đầu chuyển sang đỏ mặt hoặc da hồng hào hẳn. Đa phần hiện tượng đỏ mặt sau khi uống gặp nhiều ở những người Châu Á chúng ta hoặc những ai thuộc thể trạng tạo ra ít dehydrogenase (sản sinh dehydrogenase trong cơ thể bị ảnh hưởng bởi dân tộc và giới tính. Dehydrogenase đóng vai trò phân giải các phân tử cồn và loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể).
Và đồng thời một lượng nhỏ rượu có thể chảy ra lỗ chân lông và mồ hôi nữa đấy!
Đi loanh quanh các bộ phận quan trọng ở dưới rồi, bây giờ rượu sẽ ghé thăm nơi “chủ chốt” của chúng ta, đó chính là não. Vậy rượu lên não để làm gì?
Tạo ra các bước đi “liểng xiểng”
Bạn vui cũng uống rượu, buồn cũng uống rượu, không vui không buồn có khi cũng uống rượu luôn cơ. Đó là bởi vì rượu được xem như một liều thuốc an thần của não, nó làm chậm quá trình truyền xung giữa các tế bào thần kinh và kiểm soát khả năng suy nghĩ cũng như di chuyển.
Đôi khi bạn chứng kiến những con người mạnh mẽ sau khi uống rượu sẽ buông ra những giọt nước mắt từ sâu trong lòng, hay những lời nói gắt gỏng từ một người xưa nay rất hiền lành, và những bước đi loạng choạng khập khiễng, tất cả là vì “anh” rượu ảnh hưởng tới não bộ của chúng ta và khiến cho tâm trạng, suy nghĩ và dáng đi của chúng ta không còn vững vàng nữa.
Và tận dụng được điều này, cũng có khá nhiều chiêu trò để “mượn rượu tỏ tình” của anh em nhà mình đấy! Vậy thì có lẽ rượu này cũng được xem là khá có ích chứ cả nhà nhỉ?
Nhưng bây giờ, rượu đi đến nhiều nơi trong cơ thể của chúng ta như thế, liệu rằng “ẻm” có làm ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng ta hay không? Hay uống rượu là một điều tốt nên phát huy nhiều? Tui sẽ giúp bạn giải đáp ngay bên dưới đây thôi.
Sức khỏe của bạn và rượu
Rượu bia được xem là thức uống có cồn với nguyên liệu được đánh giá khá “healthy”, phần lớn là sự lên men và chưng cất từ ngũ cốc, trái cây. Nhưng nếu uống nhiều quá liệu có tốt cho cơ thể của chúng ta?
Tui xin “dõng dạc” thưa với các bạn rằng: uống nhiều rượu bia không tốt, hãy uống vừa đủ để có lợi cho sức khỏe mà thôi.
Vậy uống bao nhiêu là đủ?
Thành thật mà nói, rất khó để có một định lượng chính xác nào cho việc uống đủ của một ly rượu hay ly bia, bởi vì nó còn phụ thuộc vào giới tính, tuổi hay tình hình sức khỏe của bản thân. Nhưng theo Hiệp Hội Lạm Dụng và Nghiện Rượu Quốc Gia ở Mỹ cho chúng ta một cách nhìn tổng quan về hàm lượng nên dùng mỗi ngày với nồng độ cồn tương ứng như trong hình sau:
Và như vậy thì uống đủ sẽ có lợi ích gì cho cơ thể của chúng ta?
Uống vừa đủ cho bạn những lợi ích gì?
Hãy chắc rằng bạn kiểm soát được hàm lượng rượu bia nạp vào cơ thể vừa đủ, khi đó, những lợi ích tuyệt vời mà bạn sẽ nhận được chính là:
Vị giác
Bởi rượu làm tăng sự lưu thông máu đến dạ dày, vì vậy khi bạn dùng 1 lượng nhỏ, vừa phải trước hay trong bữa ăn thì rượu sẽ giúp bạn có cảm giác ngon miệng và tiêu hóa tốt hơn.
Cải thiện tâm trạng
Đây là điều ai cũng phải công nhận đấy nhỉ? Uống rượu bia giúp bạn giảm căng thẳng và mệt mỏi sau những áp lực công việc hoặc cuộc sống. Chỉ cần sử dụng một lượng vừa phải, bạn cũng đã có thể cảm nhận được giá trị mà rượu mang lại cho tâm trạng của mình ngay rồi đấy!
Tốt cho tim mạch
Khi uống rượu bia với lượng vừa đủ sẽ giúp ích cho tim mạch của bạn được khỏe mạnh. Bởi rượu bia làm tăng cholesterol tốt và giảm cholesterol xấu trong máu của chúng ta.
Điểm cộng tiếp theo cho việc sử dụng bia rượu vừa phải chính là giảm được nồng độ fibrinogen trong máu – một chất góp phần vào cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu.
Phòng bệnh tiểu đường loại 2
Nghiên cứu đã được chứng minh, rượu bia có thể giúp chúng ta giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Sử dụng rượu trong bữa ăn có thể giảm lượng đường trong máu tới 16% so với nước, nhưng phải đảm bảo sử dụng đồ uống có cồn ở mức độ cho phép mà thôi.
Bởi những lợi ích mà đồ uống có cồn mang lại khá rõ ràng, nên thường được đem ra làm lý do cho những “chú” nghiện rượu như một lời biện minh cho cái sự nghiện của mình. Nhưng mỗi lợi ích mà rượu mang lại đều được đính kèm hàm lượng đủ và nhỏ đó nha.
Vậy nếu uống nhiều rượu thì ra sao? Hãy cùng tui đi tìm lời giải tiếp theo thôi nào!
Uống nhiều thì sẽ như thế nào? Nghiện rượu sẽ ra sao?
Uống quá nhiều rượu bia không phải là một ý tưởng hay để có một sức khỏe tốt, bởi khi uống quá nhiều, bạn sẽ phải đối mặt với những hậu quả khôn lường sau đây:
Ảnh hưởng tới não bộ
“Đừng nghe những gì kẻ say nói, không chấp những việc kẻ say làm”, đó là lời mà nhiều người luôn nói với những kẻ say xỉn. Vì khi đó, rượu đã can thiệp đến con đường giao tiếp của não bộ chúng ta, ethanol làm giảm đi sự giao tiếp giữa các tế bào não với nhau.
Ngoài ra, bạn đã từng thắc mắc về những gì mình đã làm khi say rượu chưa? Bạn không hề nhớ, nhưng đồng nghiệp thì cứ lôi ra để “chọc quê” bạn. Đó là vì rượu đã làm ảnh hưởng tới trí nhớ ngắn hạn của bạn trong lúc say rồi đấy!
Ảnh hưởng tới tim mạch
Nếu lợi ích của việc sử dụng một lượng nhỏ rượu bia sẽ mang lại sức khỏe tim mạch tốt, thì lạm dụng bia rượu sẽ mang đến căn bệnh tim mạch cho bạn.
Rượu bia quá mức sẽ khiến bạn mắc bệnh cơ tim, loạn nhịp tim – nhịp tim không ổn định và dẫn tới tình trạng cao huyết áp nữa cơ.
Ảnh hưởng tới gan
Gan là một bộ phận quan trọng trong cơ thể, nhưng khi sử dụng quá nhiều rượu bia, gan sẽ bị tổn thương, các chức năng gan bị suy yếu, dẫn tới xơ hóa gan, gan nhiễm mỡ hay viêm gan do rượu là những bệnh rất thường gặp ở những người sử dụng rượu bia quá nhiều hoặc nghiện rượu đấy!
Tổn thương tuyến tụy
Không những tim và gan kêu gào, mà tuyến tụy cũng không thể im hơi lặng tiếng. Rượu làm cho tuyến tụy sản xuất các chất độc và dẫn tới viêm tụy, các mạch máu trong tuyến tụy bị sưng lên và ngăn cản sự tiêu hóa của cơ thể chúng ta.
Căn bệnh ung thư
Có rất nhiều bằng chứng đã chỉ ra mối quan hệ giữa nghiện rượu và ung thư. Theo đó, những người uống nhiều rượu bia, đặc biệt những người nghiện rượu có khả năng mắc bệnh ung thư cao hơn người bình thường.
- Ung thư gan: đây là loại ung thư thường gặp ở những người sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn. Do thời gian sử dụng rượu bia lâu dài, gan bị tổn thương, chức năng gan bị suy yếu dẫn tới ung thư gan chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
- Ung thư vú: theo nhiều nghiên cứu ở phụ nữ cho thấy, những phụ nữ sử dụng 2 ly rượu mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn đến 51% so với những người không hề sử dụng rượu bia. Hay kể cả khi bạn sử dụng một lượng nhỏ cũng đủ khiến khả năng mắc bệnh ung thư vú cao hơn người không sử dụng.
- Ung thư đại trực tràng: ung thư ruột kết và ung thư trực tràng ngày một tăng lên bởi số lượng người sử dụng rượu bia ngày một nhiều. Như ghi nhận từ các nghiên cứu cho thấy, cứ tiêu thụ 10g rượu mỗi ngày sẽ làm tăng 7% nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng ở người sử dụng.
Hiện tượng trầm cảm
Mối quan hệ giữa rượu và trầm cảm đã được ghi nhận lại. Sau khi uống, bạn sẽ giảm suy nghĩ và căng thẳng, nhưng đó chỉ là một thời gian ngắn mà thôi. Khi tỉnh rượu, bạn sẽ mệt mỏi, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe và tinh thần của bạn nhiều hơn.
Ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống
Khi uống quá nhiều rượu cũng là lúc bạn đang phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm ngay trước mắt như việc lái xe, đi lại…. Mỗi năm, ở nước ta có rất nhiều vụ tai nạn giao thông chết người vì sử dụng rượu bia mà vẫn lái xe, điều này không những gây ảnh hưởng cho chính cuộc sống của mình mà còn làm tổn thương cho người khác.
Hay những bước đi liểng xiểng, ngã nhào cũng khiến bạn đau đớn sau khi tỉnh rượu, mang lại những vết thương trên mình một cách vô duyên.
Ảnh hưởng tới hành vi
Hành vi bạo lực, đây là mối nguy hiểm khôn lường. Việc sử dụng rượu bia dẫn tới đánh nhau giữa bạn bè, đánh đập vợ con ở gia đình là điều rất hay xảy ra ở nước ta.
Bên cạnh đó, hành vi tự tử cũng được đề cập đến. Có những người đang rất buồn phiền, họ sử dụng rượu bia để làm động lực cho cái suy nghĩ đáng sợ đấy. Vì vậy, hãy dừng uống nhiều rượu bia bởi vì bạn vẫn còn nhiều mơ ước và hoài bão trước mắt nhé!
Ảnh hưởng tới cân nặng
Bạn đã nghe đến “bụng bia” chưa? – dùng để nói đàn ông / con trai có chiếc bụng to quá khổ. Và sử dụng nhiều rượu bia là nguyên nhân dẫn tới tình trạng to bụng và tăng cân. Nguyên nhân chính bởi vì sau chất béo, rượu chiếm hàm lượng calo cao, cứ 1g rượu cung cấp tới 7 calo cho cơ thể rồi mà.
Thông tin hàm lượng calo của rượu bia cho thấy, bia có hàm lượng calo như nước ngọt có đường và rượu vang đỏ thì có hàm lượng calo gấp đôi bia. Chính điều này ảnh hưởng rất nhiều tới trọng lượng cơ thể khi bạn sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn đó nha.
Đối với những người nghiện rượu thì hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với những người uống nhiều rượu. Bởi vì những người nghiện rượu thường có đầu óc không được minh mẫn, tỉnh táo, luôn rơi vào trạng thái say xỉn, gây khó chịu cho những người xung quanh và gây nguy hiểm cho chính mình. Chưa kể đến những căn bệnh kể trên có thể ập đến bất cứ lúc nào nó muốn như một “quả bom nổ chậm” vậy đấy!
Tuy uống rượu bia ở mức độ ít, vừa phải và cho phép sẽ mang đến cho bạn những lợi ích về sức khỏe, nhưng có những trường hợp tui xin khuyến cáo hãy “tránh xa” đồ uống này ra nhé! Những trường hợp tui muốn nói ở đây sẽ là ai?
Ai hoàn toàn không nên sử dụng rượu bia?
Ấy ấy, dù rượu có lợi như thế nào thì một lượng nhỏ bạn cũng không được phép uống nếu bạn thuộc 1 trong những trường hợp dưới đây:
- Những người chưa đủ tuổi sử dụng rượu bia. (Ở Việt Nam chúng ta quy định trên 18 tuổi mới được sử dụng rượu bia). Bởi vì khi ở độ tuổi dưới 18, bạn không thể làm chủ được hành vi, trí não của mình khi sử dụng đồ uống có cồn. Và thường ở độ tuổi này, bạn đang trong giai đoạn phát triển, trí não cần minh mẫn để học tập. Và vì vậy, đừng cố “lách luật” đấy!
- Các mẹ đang mang thai tuyệt đối cần tránh xa rượu bia nhé!
Bởi vì trong thời kỳ đầu của thai kỳ là thời gian nhạy cảm nhất. Việc sử dụng rượu bia của các mẹ có thể ảnh hưởng tới sự phát triển và tăng trưởng của trẻ, không những vậy còn ảnh hưởng đến trí thông minh và các hành vi sau này đấy!
Các mẹ hãy lưu ý vì con mình nha.
- Những ai đang mắc bệnh về gan hay tụy.
Rượu hay đồ uống có cồn ảnh hưởng rất nhiều và trực tiếp đến gan, tụy, làm suy giảm chức năng của gan và tụy rất nhiều.
- Người đang uống thuốc.
Nếu bạn không muốn mất đi tác dụng của thuốc chữa bệnh mà bạn đang uống, thì hãy tránh xa rượu bia nhé!
- Người đang trong trạng thái đòi hỏi sự tập trung cao độ như lái xe hoặc làm việc.
Việc lái xe mà sử dụng rượu bia được xem là một hành vi sai trái, vừa nguy hiểm cho tính mạng của bản thân lại còn gây nguy hiểm cho những người đang tham gia giao thông khác đấy! Vì vậy, hãy bảo vệ mình và mọi người bằng khẩu hiệu: “Đã uống rượu bia thì không lái xe” cả nhà nhé!
Lời kết
Vậy rượu là bạn hay là kẻ thù? – tui cá chắc bạn đã có câu trả lời cho riêng mình rồi đấy!
Rượu là một người bạn khi chúng ta biết cách sử dụng đúng và sẽ là một kẻ thù khi chúng ta lạm dụng quá nhiều. Vì vậy, từ đây, các bạn hãy kiểm soát lượng rượu bia mà cơ thể mình uống để cuộc vui luôn là vui mãi, để mỗi ly rượu không phải là một liều thuốc độc cho cơ thể, mà là một nguồn dinh dưỡng tốt cho chính mình cả nhà nhé!