Nhà thơ nổi tiếng người Mỹ gốc Anh W.H.Auden đã viết: “Thousands have lived without love, not one without water”. Đúng vậy, bạn có thể “ế” cả mấy năm trời, có thể chia tay người yêu suốt mấy tháng, bạn có thể cô đơn một mình, nhưng bạn không thể sống mà thiếu nước mỗi ngày được.
Nếu nói về nước, người ta ví nó như một phép màu của sự sống vậy. Chúng ta cần oxy để thở và cũng cần có nước để duy trì sự sống trong cơ thể của mình. Không có một sự sống nào trên hành tinh này mà có thể thiếu nước, nếu bạn nghĩ đến sa mạc, thì ngay cả cây xương rồng cũng tự tích nước trong mình để duy trì sự sống mỗi ngày, hay những chú lạc đà ưa nắng, ưa nóng kia cũng biết cách tự giữ nước trong cơ thể.
Và bạn có biết, chúng ta không thể sống nếu thiếu oxy trong 3 phút, thiếu nước trong 3 ngày và thiếu thức ăn trong 3 tuần không? Đây là quy tắc con số 3 “thần thánh” mà các nhà nghiên cứu đã nhắc tới. Điều này càng nhấn mạnh rằng, nước chiếm vị trí quan trọng hơn cả thức ăn mà chúng ta dùng mỗi ngày. Bởi điều đó mà nước chiếm khoảng 55-65% trong cơ thể chúng ta, cũng như 70% bề mặt trái đất vậy.
Nước là gì mà lại quan trọng đến như vậy? Mỗi ngày chúng ta có thể đang ăn nhiều hơn uống đấy chứ. Vậy trên hết, chúng ta hãy cùng nhau mở cánh cửa bí mật về vai trò của nước nhé!
– Có thể bạn nên biết:
- Kiến thức tổng hợp về Protein – Không biết tiếc cả đời
- Thực phẩm bổ sung – 1001 bí mật có thể bạn chưa biết
- Hạt dẻ cười, càng ăn càng cười tươi
Mục Lục
- Sự hiện diện của nước trong mỗi tế bào của cơ thể
- Vai trò của nước đối với cơ thể chúng ta như thế nào?
- Nước đã “len lỏi” vào cơ thể như thế nào ấy nhỉ?
- Đèn đỏ báo động – cơ thể bị thiếu nước
- Uống nhiều nước quá – thì sẽ ra sao?
- Điều tuyệt vời của uống đủ nước
- Tìm kiếm nguồn cung cấp nước cho cơ thể
- Lượng nước mỗi ngày cần uống của bạn là bao nhiêu?
- Uống nước đúng cách chuẩn khoa học như thế nào?
- Tips giúp bạn không quên uống đủ nước mỗi ngày
- Bạn đừng quên uống đủ nước đấy!
Sự hiện diện của nước trong mỗi tế bào của cơ thể
Nước được cấu tạo bởi 2 nguyên tử Hydro và Oxy có liên kết cộng hóa trị, và H2O là công thức hóa học của nước. Nước hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta dưới 3 dạng chính là chất rắn (nước đá), chất lỏng (dạng nước bình thường) và chất khí (dạng hơi nước). Có thể bạn đã biết, dù trời nắng nóng hay lạnh ngắt, chúng ta chủ yếu nạp thêm nước vào cơ thể dưới dạng lỏng.
Trong các tế bào cơ thể của chúng ta đều có sự tồn tại của nước, đó cũng là lý do vì sao nước chiếm khoảng ⅔ trong cơ thể của một người bình thường. Nhưng có một sự thú vị mà chắc hẳn chúng ta chưa hề hay biết, chính là khi sinh ra, cơ thể của một trẻ nhỏ có chứa nhiều nước hơn 1 người trưởng thành nữa. Đó là khoảng 75% cơ thể chúng là nước, cứ như cấu tạo của một chú cá vậy, và rồi giảm xuống 65% khi các bé bắt đầu lớn lên.
Nước không chỉ có ở trong máu, mà não và tim của 1 người lớn gồm có ¾ là nước, tương tự như độ ẩm trong 1 quả chuối. Hay phổi thì như một quả táo với 83% là nước. Ngay cả khô khan như xương cũng có đến 31% là nước trong nó. Nếu cơ thể của chúng ta được tạo thành bởi nước như vậy, liệu bạn có thắc mắc tại sao chúng ta lại vẫn cần phải uống nhiều nước hay không?
Hãy tưởng tượng cơ thể bạn phải toát mồ hôi, đi tiểu tiện và đại tiện hay thậm chí là phải thở cũng là nhờ có nước, đây đều là những chức năng cần thiết để tồn tại sự sống. Vì vậy, chúng ta cũng cần bù lại lượng nước đã mất đi để duy trì được lượng nước trong cơ thể đúng không nào?
Như vậy, nước là nền tảng của sự sống chúng ta.
Và nền tảng ấy đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống? Các bạn hãy cùng tui tìm hiểu chi tiết hơn về vai trò của nước nhé!
Vai trò của nước đối với cơ thể chúng ta như thế nào?
Bởi nước là nguồn sống của cơ thể, và chúng ta không thể phủ nhận được tầm quan trọng của nước to lớn như thế nào và vai trò của nước đối với tế bào thật sự cần thiết. Để thấy rõ điều đó, hãy tới với những vai trò cụ thể sau mà nước luôn muốn được nhắc tới.
Nước trong quá trình phân giải thức ăn và hỗ trợ tiêu hóa
Nước có vai trò quan trọng trong các phản ứng sinh hóa để phân giải thức ăn và trao đổi chất trong cơ thể được tốt hơn.
Nước phân giải thức ăn trong cơ thể
Thông qua quá trình thủy phân, các phân tử nước tham gia phân hủy sinh hóa protein, lipid và carbohydrate – là những thực phẩm có cấu trúc phức tạp thành các chất dễ hấp thụ hơn cho cơ thể.
Nước hỗ trợ quá trình tiêu hóa
Quá trình tiêu hóa thức ăn bắt đầu với nước bọt (khi chúng ta nhai thức ăn), và cơ sở của nước bọt không phải ai xa lạ, đó chính là nước.
Các enzyme có trong nước bọt giúp phân hủy thức ăn và chất lỏng để hòa tan các khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác. Nếu tiêu hóa tốt, khoáng chất và các chất dinh dưỡng sẽ được đưa tới tế bào trong cơ thể một cách dễ dàng và nhanh hơn.
Trở thành “người vận chuyển” chuyên nghiệp
Nước luôn là một “người vận chuyển” thực thụ trong cơ thể chúng ta với việc đưa các chất dinh dưỡng đi nuôi tế bào và mang các chất thừa thải ra ngoài ngay lập tức.
Nước đưa các chất dinh dưỡng tới từng tế bào
Nước là thành phần chính của máu và máu sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng cho mô để tạo sự sống, cũng như đáp ứng các chức năng hoạt động của tế bào trong cơ thể.
Nước đưa chất thải ra ngoài thôi nào!
Ngoài những cách dễ thấy của việc loại bỏ chất thải thông qua mồ hôi, tiểu tiện hay đại tiện, thì nước còn giúp cho gan và thận thực hiện chức năng đào thải những chất không cần thiết.
Thận cần nhiều nước để lọc nhằm loại bỏ tạp chất cũng như chất thải ra khỏi máu, thì gan là cơ quan giải độc chính cũng cần nước để trung hòa các chất có hại, sau đó loại bỏ ra khỏi cơ thể chúng ta một cách an toàn nhất.
Trong cơ thể chúng ta có khoảng 5L máu và 2 quả thận lọc khoảng 180L máu mỗi ngày, với khoảng 125ml máu trong 1 phút. Và quá trình lọc máu diễn ra khoảng 50-60 lần 1 ngày. Vậy mà chúng ta lại chỉ đi khoảng 1.2-2L nước tiểu trong 1 ngày mà thôi.
Nước điều hòa nhiệt độ cơ thể
Một lần nữa, vai trò của nước đối với con người hết sức to lớn khi giúp sức trong việc điều hòa nhiệt độ cơ thể, giúp cơ thể chúng ta dễ dàng thích nghi với những thay đổi khắc nghiệt của môi trường.
Mồ hôi chính là một phương tiện giúp ngăn cơ thể quá nóng khi bạn vận động nhiều hoặc nhiệt độ bên ngoài quá cao. Bởi vì khi đó, cơ thể bạn tiết ra mồ hôi đồng thời nhiệt lượng tạo ra trong cơ thể sẽ được chuyển ra da, lượng nhiệt này được giải phóng khỏi cơ thể chúng ta bằng cách làm bốc hơi mồ hôi. Cơ thể thoát được bớt nhiệt lượng sẽ giúp cho nhiệt độ bên trong chúng ta cân bằng. Vì vậy, để duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định, việc tiết ra mồ hôi chính là điều cần thiết.
Khi cơ thể tiết ra mồ hôi cũng là lúc bạn cần bù nước lại cho cơ thể của mình. Bởi chúng ta sẽ bị mất khoảng 450ml nước mỗi ngày thông qua mồ hôi. Còn khi tập luyện thì lượng nước ấy sẽ tăng lên, như đạp xe trong 1 tiếng đồng hồ thì cơ thể bạn sẽ mất đi 0.8L nước, trong khi lượng nước mất đi tăng lên 2L khi bạn chơi bóng đá. Vì vậy, hãy đừng quên nạp thêm nước thường xuyên trước, trong và sau khi tập thể thao các bạn nhé!
Hiểu vai trò của nước trong cơ thể chúng ta là vậy, nhưng bạn có lần nào thắc mắc rằng, liệu nước đi vào cơ thể chúng ta như thế nào? Hay là nước uống sẽ chảy “tọt” ngay vô bụng luôn? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về vấn đề này nha.
Nước đã “len lỏi” vào cơ thể như thế nào ấy nhỉ?
Đường đi của nước đi vào trong cơ thể chúng ta tương tự như việc tiêu thụ thức ăn vậy, mọi thứ sẽ đi vào dạ dày thông qua cùng 1 tuyến đường gọi là thực quản (hay ống dẫn thức ăn). Và hoàn toàn không có một con đường riêng nào cho nước đâu các bạn nhé!
Bởi nước là một phân tử đơn giản, không cần phải nhai (phân hủy hay phá vỡ) nó, và rất dễ khuếch tán trong cơ thể chúng ta. Nên khi nước được uống vào cơ thể, thông qua miệng sẽ được đưa qua thực quản và xuống tới dạ dày. Tại dạ dày, nước được trộn lẫn với thức ăn đã được nghiền nát và phân hủy bởi các enzyme từ trước đó. Tiếp theo đó, nước sẽ được hấp thụ trực tiếp qua các tế bào biểu mô bao phủ đường ruột của chúng ta.
Cũng thật may mắn khi ruột non là cơ quan chịu trách nhiệm cho sự hấp thụ của nước, bởi vì ruột non là cơ quan khá “bự”, với độ dài khoảng 20 feet (gần 6m luôn đấy) và diện tích bề mặt lớn đã giúp cho việc hấp thụ nước được nhanh chóng hơn. Ruột non giúp cơ thể chúng ta hấp thụ khoảng 90% lượng nước và đưa trở lại máu, vận chuyển tới các tế bào cần thiết của cơ thể như gan hay bắp thịt. Với 10% còn lại của nước được đẩy xuống ruột già.
Nhiệm vụ của ruột già chính là hấp thụ lại nhiều nước nhất có thể từ các chất thải để chuẩn bị đưa chúng ra cơ quan bài tiết và “tạm biệt” khỏi cơ thể chúng ta thông qua tiểu tiện hay đại tiện.
Và như vậy, nước đi vào cơ thể chúng ta được hấp thụ nhiều hơn là tiêu hóa. Việc cung cấp đủ nước sẽ giúp cho các hoạt động bên trong cơ thể chúng ta được ổn định và liên tục hơn. Tuy nhiên, nếu việc bạn uống quá nhiều nước mỗi ngày lại khiến cho các hoạt động của các cơ quan trở nên nặng nhọc và phức tạp đi. Vì vậy, các bạn hãy cùng tui tìm hiểu về vấn đề cấp bách nhất hiện nay của việc thiếu nước, đủ nước và thừa nước trong cơ thể sẽ như thế nào nhé!
Đèn đỏ báo động – cơ thể bị thiếu nước
Điều gì sẽ xảy ra khi cơ thể chúng ta bị thiếu nước? “Đèn đỏ” sẽ được bật ngay thông qua tín hiệu từ nước tiểu. Ngay khi cơ thể phát tín hiệu thiếu nước, các thụ thể cảm giác vùng dưới đồi của não sẽ gửi tín hiệu giải phóng hóc-môn chống bài niệu. Khi gửi tín hiệu tới thận, chúng tạo ra aquaporin – là các kênh nước cho phép máu hấp thụ và giữ lại nhiều nước hơn. Đó là lý do nước tiểu đặc và tối màu.
Đây là dải màu nước tiểu, giúp bạn hiểu được tình trạng nước trong cơ thể của mình đang như thế nào nè:
Ở hình trên, khi nước tiểu của bạn có màu số 1, 2 hoặc 3 tức là cơ thể bạn được đủ nước cần thiết. Còn nếu từ số 4 đến số 8 thì báo động, cơ thể bạn đang thiếu nước và cần uống nhiều nước hơn.
Ngoài nước tiểu thì cơ thể cũng còn rất nhiều cách để báo động tình trạng thiếu nước cho chúng ta., Tui chia sẻ tới các bạn một số dấu hiệu khác để biết cơ thể mình đang bị thiếu nước liền đây:
- Môi khô, nứt ra hoặc có khi bị chảy máu.
- Cảm thấy buồn ngủ và cơ thể mệt mỏi.
- Cảm giác khát nước ồ đến.
- Chóng mặt và nhức đầu.
- Huyết áp bị giảm xuống.
- Các cơ bị đau nhức.
- Nhịp tim đập nhanh hơn bình thường.
- Khả năng nhận thức giảm và mất sự tập trung.
- Mất nước nghiêm trọng thì dẫn tới – XỈU.
Vậy, điều gì xảy ra nếu cơ thể bị thiếu nước?
Cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, bị đau đầu là biểu hiện của mất nước.
Mất nước làm giảm đáng kể các chất điện giải chủ yếu như natri, kali, canxi, iot và sắt. Và khi đó, các mô và tế bào không nhận được đủ nước để đáp ứng các hoạt động sống bên trong cơ thể nữa. Cũng khi thiếu nước là lúc quá trình oxy lên não bị chậm lại, vì vậy sẽ khiến cơ thể chúng ta rơi vào trạng thái mệt mỏi đấy!
Phá vỡ tâm trạng của bạn.
Bởi thiếu nước làm cho nhiệt độ trong người nóng lên, khó chịu và bức rức. Vì vậy bạn dễ cáu gắt, mất tập trung và ảnh hưởng tới một phần trí nhớ của bạn bị sa sút.
Quá trình trao đổi chất bị “ì ạch”
Uống đủ nước sẽ giúp cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể tăng lên 30% và giúp cơ thể khỏe mạnh. Nhưng khi cơ thể bị thiếu nước, khả năng trao đổi chất bị chậm lại, quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải cũng bị hạn chế hơn.
Da sẽ trở nên khô hơn.
Trong da chúng ta có chứa khoảng 30% nước, góp phần rất lớn trong sự đàn hồi và mềm mại của da. Mất nước, cũng là lúc da mất đi sự đàn hồi và mềm mại ấy, thay vào đó là làn da khô ráp mà “hổng” có ai thích cả.
Khả năng làm việc của não
Việc thiếu nước không thể xem nhẹ khi ảnh hưởng tới bộ não đang làm việc. Thiếu nước, bộ não chúng ta trở nên vất vả hơn hẳn để hoàn thành khối lượng công việc, thậm chí khi não bộ mệt quá có thể tạm thời bị co lại như bị vắt kiệt sức lực vậy.
Ảnh hưởng tới sức khỏe của tim.
Thể tích của máu trong cơ thể thường được điều chỉnh dựa vào lượng nước được hấp thu và tiêu hao. Điều này có nghĩa, khi cơ thể bị mất nước hoặc tiết ra mồ hôi cũng là lúc thể tích máu bị giảm xuống và tim rất khó bơm đủ máu cho cơ thể để điều chỉnh thân nhiệt được.
Đau cơ và sụn khớp.
Nước chiếm 80% trong thành phần cấu tạo của sụn và các khớp xương trong cơ thể chúng ta. Vì vậy, khi thiếu nước, các sụn khớp sẽ làm việc không được trơn tru, bị khô khớp và dẫn tới đau nhức xương khớp.
Ngoài ra, khi cơ thể thiếu nước, lâu ngày sẽ khiến cho thận của bạn có thêm vài cục sỏi chẳng mong muốn mà cứ thế xuất hiện nữa cơ.
Cơ thể thiếu nước là vậy, thế thì chúng ta hãy uống thật nhiều nước vào cho chắc nhỉ? Ý, khoan nào, ai bảo thừa nước là tốt chứ? Hãy cùng tui xem điều gì sẽ xảy ra nếu bạn uống quá nhiều nước nhé!
Uống nhiều nước quá – thì sẽ ra sao?
Uống nhiều nước có tốt không?
Trái ngược với thiếu nước, việc dư nước sẽ khiến cho nước tiểu có màu trong veo, điều này cảnh báo rằng, cơ thể bạn đang bị dư quá nhiều nước rồi đấy!
Một số dấu hiệu để bạn biết mình bị thừa nước trong cơ thể:
- Nước tiểu trong veo.
- Đi tiểu thường xuyên (Hầu hết mọi người sẽ đi vệ sinh 6-8 lần/ngày, còn bị thừa nước sẽ đi khoảng hơn 10 lần/ngày).
- Đau đầu cả ngày và cảm thấy mệt mỏi.
- Tay, chân và môi sưng lên.
- Yếu cơ và dễ bị chuột rút.
Không phải uống quá nhiều nước sẽ mang đến lợi ích cho cơ thể chúng ta đâu, mà ngược lại, dư thừa quá mức sẽ ảnh hưởng đến những hậu quả khôn lường. Những hậu quả của việc thừa nước đấy là:
Làm sưng các tế bào của bạn
Cơ thể chúng ta có natri và kali tự do, hoạt động như một chất điện giải giúp cân bằng giữa tế bào và máu. Tuy nhiên, khi thừa nước trong cơ thể, chất điện giải cũng bị giảm đi, nước di chuyển từ máu vào tế bào gây ra hiện tượng sưng của các tế bào trong cơ thể.
Buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy
Thừa nước sẽ khiến cơ thể phải giải phóng bớt lượng nước dư thừa ấy thông qua mồ hôi hoặc nước tiểu. Nhưng nếu xảy ra quá nhiều lần trong ngày, lượng kali sẽ giảm xuống, theo thời gian việc hạ kali trong máu xảy ra gây nên hiện tượng buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy đấy nhé!
Bị chuột rút
Dư thừa nước trong cơ thể làm giảm đi chất điện giải, ảnh hưởng tới cân bằng chất lỏng và chức năng cơ bắp, điều này dẫn tới co thắt cơ và bị chuột rút ghé thăm.
Ảnh hưởng tới chức năng thận
Nếu việc thiếu nước lâu ngày dẫn tới sỏi thận, thì thừa nước sẽ ảnh hưởng nhiều tới chức năng của thận. Thừa nước, cơ thể đòi hỏi thận phải “làm thêm giờ” để đáp ứng được quá trình lọc nước của mình. Và về lâu về dài, thận sẽ bị mệt mỏi, dẫn tới chức năng thận bị giảm, và bị yếu thận hoặc suy thận xảy ra.
Vì thiếu nước hay thừa nước cũng đều mang đến tác hại không đáng có cho cơ thể của chúng ta, nên với lời khuyên chân thành từ tui, các bạn hãy uống đủ nước, hãy là đủ thôi nhé! Tại sao ư? Vậy hãy cùng tui tìm hiểu những điều tuyệt vời của việc uống đủ nước đây này.
Điều tuyệt vời của uống đủ nước
Hãy uống đủ lượng nước mà cơ thể bạn cần, bởi nước dễ kiếm, rẻ tiền, không chứa calo nhưng tác dụng của nước vô cùng to lớn cho cơ thể của chúng ta đấy! Hãy điểm danh những tác dụng tuyệt vời mà nước đã mang lại cho chúng ta nhé!
Nước có tác dụng tốt tới não bộ chúng ta.
Não chứa khoảng 70-80% nước trong nó, vì vậy khi uống đủ nước là bạn đang cung cấp năng lượng cho não bộ hoạt động được tốt hơn, giảm cho bạn sự căng thẳng đầu óc.
Mọi mệt mỏi tan biến hết.
Khi uống đủ nước cũng là lúc bạn giúp tim bơm máu hiệu quả hơn, giúp vận chuyển oxy trong máu và các chất dinh dưỡng cần thiết cho tế bào sống để giảm sự mệt mỏi của mình.
Uống đủ nước còn giúp cho bạn nâng cao được tinh thần, ảnh hưởng tích cực lên suy nghĩ cũng như hành động của bạn.
Nước còn giúp cho bạn phòng chống được đột quỵ.
Đó là lý do vì sao bác sĩ luôn khuyên những người cao huyết áp hãy uống đủ nước mỗi ngày. Vì khi bạn nạp đủ lượng nước cơ thể cần, cũng là lúc bạn giúp cho mạch máu không bị tích tụ những cục máu đông, máu sẽ được lưu thông đều và giảm nguy cơ đau tim hay đột quỵ nguy hiểm.
Sỏi thận hả? Hãy để nước lo.
Uống đủ nước sẽ giúp bạn phòng ngừa bệnh sỏi thận vì sỏi thận không thể hình thành trong nước tiểu pha loãng được. Ngoài ra, việc cung cấp đủ nước cho cơ thể còn giúp cho thận được làm việc ổn định và hiệu quả hơn đấy!
Giảm rủi ro mắc một số bệnh ung thư như ung thư vú hay ung thư đường ruột.
Công dụng của nước cũng chính là giúp cơ thể chúng ta hấp thụ chất dinh dưỡng và đưa những chất không cần thiết hay gây hại ra ngoài cơ thể qua tuyến mồ hôi, tiểu tiện hoặc đại tiện. Vì vậy, khi này nước sẽ duy trì cho các tế bào được sạch sẽ và điều đó sẽ chẳng một con vi rút gây hại nào dám “bén mảng” tới đâu.
Cho bạn một làn da đẹp rạng ngời mà chẳng có loại kem đắt tiền nào làm được.
Da cần có nước cho sự đàn hồi và ẩm mượt của nó. Vì vậy, khi cơ thể bạn uống đủ nước, lượng nước ấy sẽ bổ sung cho da sự đàn hồi cần thiết, giúp da có đủ độ ẩm và còn làm chậm quá trình lão hóa nữa. Và giờ thì hiểu tại sao mẹ chúng ta luôn nói: “uống nước vô cho đẹp da, bớt mụn nữa” rồi đấy!
Bạn muốn giảm cân? Hãy yêu mến nước.
Nước tăng cường quá trình trao đổi chất trong cơ thể chúng ta và làm tăng cảm giác no, khiến chúng ta chẳng thèm ăn vặt hay ăn quá nhiều nữa. Hơn hết, nước không chứa calo nhưng lại có tác dụng đốt cháy calo trong cơ thể. Vì vậy, hãy uống đủ nước để bạn có thể kiểm soát cân nặng hoặc giảm cân của chính mình nhé!
Yeah, vậy là chúng ta đã hiểu rõ về việc thiếu nước, thừa nước hay tích cực từ việc uống đủ nước phải không nào. Nhưng chẳng lẽ nguồn nước nạp vào cơ thể chỉ là nước lọc mà thôi sao? Liệu sáng nay tui có uống 1 ly trà xanh thì có được tính không nhỉ? Hay trái dưa leo tui thấy thiệt nhiều nước thì sao? Chà, nan giải, hết sức nan giải đây. Vậy thì ngay bây giờ, các bạn và tui hãy tìm hiểu ngay về nguồn cung cấp nước cho chúng ta nha.
Tìm kiếm nguồn cung cấp nước cho cơ thể
Nếu nước tinh khiết, nước sạch là nguồn cung cấp nước giải khát lành mạnh nhất cho cơ thể, thì các đồ uống khác như cà phê, bia, rượu, sữa tách béo hay nước ép trái cây cũng được xem là thức uống bổ sung nước cho cơ thể chúng ta. Ngoài ra nước còn có trong thức ăn của mình đấy các bạn, với khoảng ⅕ lượng H2O ta hấp thụ mỗi ngày.Ví dụ trái cây hay rau củ là nguồn cung cấp nước, đồng thời là nguồn dinh dưỡng và chất xơ thiết yếu mà chúng ta cần trong một ngày nữa. Và dưới đây, tui đã chọn ra những thực phẩm quen thuộc có khả năng “giúp bạn” giữ nước rất nhiều, hãy theo dõi hình dưới đây nha:
Như vậy, nguồn nước mà cơ thể chúng ta cần có thể được tìm kiếm ở khắp mọi nơi, từ nước lọc đơn giản nhất, cho tới những thức uống tăng vị giác hoặc ngay cả với rau củ quả cũng có thể là nguồn nước tuyệt vời cho chúng ta cả nhà nhỉ. Vì vậy, hãy luôn nạp đủ nước mà cơ thể cần, vì xung quanh chúng ta luôn có nước nhé!
Nhưng, mỗi ngày bạn nên uống bao nhiêu nước được xem là đủ? Các bạn hãy cùng tui khám phá tiếp về thông tin quan trọng này nha.
Lượng nước mỗi ngày cần uống của bạn là bao nhiêu?
Một ngày uống bao nhiêu nước là đủ? Nó còn phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể, tình trạng sức khỏe, độ tuổi, môi trường cũng như mức độ hoạt động của mình.
Ai trong chúng ta cũng muốn biết mỗi ngày nên uống bao nhiêu nước để từ đó nạp vào đủ lượng nước mà cơ thể mình cần.
Và vì vậy, tui đã có một “bí kíp” ngắn gọn muốn chia sẻ cho các bạn cách tính lượng nước mà cơ thể cần theo cân nặng của một người trưởng thành đây. Hãy tham khảo ngay nhé!
Bước 2: Lấy số cân nặng chia cho 30.
Để trả lời cho câu hỏi: “Tui cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày?”, tui sẽ áp dụng cách tính trên cho các bạn rõ hơn nhé!
Ngay tại thời điểm này, tui cân được với trọng lượng là 45kg. Để tính được lượng nước cơ thể cần, tui có phép tính: 45 / 30 = 1.5 (lít). Như vậy, một ngày tui cần có khoảng 1.5 lít nước được nạp vào cơ thể là đủ để duy trì tốt mọi hoạt động của mình rồi đấy!
Tuy nhiên, đây là công thức tham khảo dựa trên trọng lượng của các bạn thôi.
Và mỗi ngày bạn luôn cần có hoạt động, những hoạt động khác nhau sẽ có lượng mồ hôi đổ ra không giống nhau, nhưng để ước chừng lượng nước bù vào sau khi đổ mồ hôi, các bạn cần nạp sau những lúc đó khoảng 250-350ml nước vào cơ thể nhé!
Còn đối với phụ nữ đang mang thai hay các mẹ đang cho con bú, việc bổ sung nước nhiều hơn mỗi ngày rất cần thiết. Vì vậy, bạn cần tăng lượng nước phải uống mỗi ngày của mình thêm 12-32oz tức khoảng 414-946ml nước tùy vào nhu cầu của từng người đấy!
Ngoài ra, hãy trừ hao khoảng 20% lượng nước cần uống mỗi ngày đã được bù đắp qua những thực phẩm chúng ta sử dụng hằng ngày như cà phê, trà, sữa, các loại trái cây chứa nhiều nước,….
Đã biết về lượng nước cần uống một ngày của mình rồi, thì một câu hỏi khác lại đặt ra chính là: uống nước như thế nào là đúng cách? Tui nghe cô bạn thân dặn tui rằng: “phải vừa ăn cơm vừa uống nước mới tốt cho quá trình tiêu hóa của bà đấy!”. Úi, chả nhẽ có cả vụ này cơ à? Tui bán tín bán nghi lắm, thôi thì chúng ta lại cùng nhau tìm hiểu tiếp vấn đề này xem thế nào nha.
Uống nước đúng cách chuẩn khoa học như thế nào?
Thật sự nếu có một ai hỏi bạn uống nước như thế nào, bạn có khi sẽ cười vào mặt và nghĩ rằng đó là một câu hỏi hết sức ngớ ngẩn, và ai cũng uống khi họ khát nước hoặc khi họ nhớ mà thôi. Nhưng không, đây không phải là một câu hỏi điên rồ, mà việc uống nước đúng cách thật chất không dễ như bạn nghĩ.
Bạn và tui, tất cả chúng ta cần khoảng 8 cốc nước mỗi ngày và có thể điều chỉnh tùy vào cơ thể (áp dụng bí kíp ngắn gọn tui tiết lộ phía trên). Sau đây, tui chia sẻ tới đại gia đình TKCB cách uống nước đúng cho mọi người.
Uống nước theo thời gian
Hãy nhớ đến mức thời gian tối ưu mà bạn cần uống nước, đây là những thời điểm tốt nhất trong ngày để nước có thể phát huy hết tác dụng của mình đấy!
Sau khi thức dậy
Sau một đêm dài say giấc, cơ thể bạn đã mất đi một lượng nước, vậy thì hãy bù nước lại cho chính mình và kích hoạt các cơ quan nội tạng của bạn nào!
Trước bữa ăn
Hãy uống trước bữa ăn 30 phút để hỗ trợ tiêu hóa được tốt hơn. Bạn hãy nhớ không nên uống nước trong hoặc sau bữa ăn nhé! Vì có thể bạn sẽ làm loãng dịch tiêu hóa đi đấy!
Và sau 1 giờ khi ăn, hãy uống nước để cơ thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng cần thiết.
Trước khi đi tắm
Đây là thời gian tốt để bạn uống nước với tác dụng giảm huyết áp của mình.
Trước khi đi ngủ
Hãy uống nước trước khi đi ngủ khoảng 1 – 2 tiếng để chuẩn bị lượng nước cần thiết cho cơ thể sau một đêm dài chúng ta không uống nước. Và uống nước trước khi đi ngủ giúp cơ thể ngăn cản sự hình thành những cục máu đông.
Và sau đây là thời gian biểu uống 8 ly nước một ngày bạn có thể tham khảo nè:
7 giờ sáng | Ly thứ 1: nước giúp bạn kích hoạt cơ thể và “Hello ngày mới” |
9 giờ sáng | Ly thứ 2: khoảng 1 giờ sau khi ăn sáng và bạn đã sẵn sàng bắt đầu công việc rồi. |
11 giờ 30 | Ly thứ 3: trước bữa ăn trưa 30 phút để giúp cho quá trình tiêu hóa và cung cấp độ ẩm cho da khi bạn làm việc trong môi trường máy lạnh. |
13h giờ 30 | Ly thứ 4: sau bữa ăn trưa 1 tiếng đồng hồ giúp hỗ trợ tiêu hóa và tăng quá trình trao đổi chất. |
15 giờ | Ly thứ 5: giúp bạn giảm căng thẳng, mệt mỏi, mất tập trung trong giờ làm buổi chiều này. |
17 giờ | Ly thứ 6: một ly nước trước khi rời phòng làm việc giúp bạn no hơn, tránh ăn nhiều vào buổi tối. |
20 giờ | Ly thứ 7: sau 1 giờ ăn tối và trước khi bạn đi tắm. |
22 giờ | Ly thứ 8: kết thúc một ngày của bạn bằng ly nước này để giúp hỗ trợ quá trình tái tạo tế bào trong khi ngủ. Hãy uống trước 1 - 2 tiếng trước khi ngủ. |
Sau khi uống theo thời gian, bạn cũng cần biết cách uống nước đúng, và tiếp theo dưới đây là cách uống nước mà bạn nên biết đấy!
Uống từng ngụm nhỏ
Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của nước khi là nguồn cung cấp độ ẩm cho da, làm sạch ruột và dạ dày hay giúp cho quá trình lưu thông máu, trao đổi chất diễn ra tốt đẹp hơn.
Mỗi ngày, với 8 ly nước, chúng ta có thể bổ sung đủ lượng nước mà cơ thể cần cho mọi hoạt động bên trong. Tuy nhiên, cách uống nước đúng không phải ai cũng biết. Không chỉ nên uống khi thấy khát, cũng không nên uống ừng ực cho đã khát được đâu. Mà thay vào đó, các bạn hãy nhớ uống từng ngụm nhỏ, vừa miệng, ngậm và nuốt từ từ nhé!
Và việc uống nước cũng cần có những thời gian nên hạn chế, nên tránh mà bạn cũng cần phải biết đấy! Tiếp theo đây là những lưu ý trong thời gian uống nước mà tui nghĩ các bạn nên biết, bởi vì phần lớn chúng ta đều mắc phải 1 trong những sai lầm này đấy!
5 thời điểm bạn không nên uống nước!
Chúng ta hãy cùng theo dõi xem mình có đang uống nước sai thời điểm không cả nhà nhé!
Ngay trước khi đi ngủ.
Thời gian thích hợp để kết thúc quá trình uống nước của mình trong 1 ngày chính là trước khi đi ngủ từ 1 – 2 tiếng đấy! Nếu bạn uống nước ngay trước khi đi ngủ sẽ có 2 cái hại “bự bự” đó là:
- Bạn sẽ phải thức dậy để đi vệ sinh và điều này làm gián đoạn đến giấc ngủ của mình đấy!
- Ảnh hưởng tới quá trình làm việc của thận, bởi so với ban ngày, ban đêm thận làm việc chậm hơn mà (cũng phải có lúc thận cần được relax nữa chứ) ^^.
Giữa lúc đang tập nặng
Mồ hôi chảy ra ồ ạt, bạn nóng, bạn khát nước, cần làm vội 1 ly nước cho thỏa cơn khát. Nhưng từ từ nào, bạn không nên vội uống quá nhiều nước khi cơ thể ra mồ hôi như thế chứ, nếu không cơ thể bạn sẽ bị rối loạn cân bằng điện giải dẫn tới đau đầu, buồn nôn và chóng mặt hoặc có thể gây nguy hiểm cho những người mắc bệnh tim đấy!
Ơ, thế thì tui tập xong nóng quá, mồ hôi ra hết, cơ thể mất nước, không bù nước lại à? Đây, đây, đừng nóng vội, đối với những người tập luyện, bạn có thời gian uống nước hợp lý như thế này nè:
- 1 – 2 giờ trước tập, hãy uống 450 – 600ml nước.
- 15 phút trước tập, hãy thêm cho mình 250 – 300ml nước.
- Trong lúc tập, hãy chia nhỏ ra cứ khoảng 15 phút hãy bù vào cơ thể 250ml nước nhé!
Khi nước tiểu mất màu – Đừng uống nước thêm nữa.
Khi nước tiểu mất màu, trong veo, là thận đang cảnh cáo với bạn “tui mệt rồi à nhen” và cơ thể muốn nói: “thôi đủ rồi, tui dư nhiều nước quá rồi đây này!”. Đấy là khi cơ thể bạn bị thừa nước và điều này làm giảm đi nồng độ natri trong cơ thể chúng ta đấy!
Ăn đồ cay nóng thì nói không với nước.
Cứ ăn cay, bị cay, chúng ta tìm tới nước để uống. Nhưng tui có nhớ trong một số chương trình thách thức ăn mỳ cay, họ sử dụng sữa để làm giảm đồ cay, lót dạ dày để không đau bụng cơ.
Bởi vì thế này, cảm giác cay, nóng rát đó là từ một phân tử có tên capsaicin gây ra. Và do tính chất phân cực, nước đã không làm giảm đi độ cay đó, ngược lại, nó khiến capsaicin phát tán khắp miệng và thậm chí tới cả thực quản.
Do đó, hãy chọn sữa là chất lỏng ít phân cực hơn nước để giảm cảm giác cay nóng này các bạn nhé!
Uống nước trong bữa ăn.
Vừa ăn vừa uống nước, đó là cách mà nhiều người sử dụng. Và trên thực tế, vấn đề vừa ăn cơm vừa uống nước luôn gặp nhiều tranh cãi tốt hay xấu. Nhưng có một điều tui chắc chắn với các bạn, những người bị trào ngược dạ dày thực quản thì tuyệt đối không nên có thói quen này.
Đó là những thời điểm bạn không nên uống nước và hãy uống nước đúng lúc, đúng cách để cơ thể nhận được nước tốt nhất cả nhà nhé!
Tuy nhiên nói uống đủ nước một ngày là dễ nhưng ko phải dễ, nhiều lúc chúng ta bị cuốn vào công việc đến quên uống nước, vào những chuyến đi dài đến khi khát khô cả cổ mới nhớ tới chai nước trong túi…. Để tránh tình trạng đó, tui có một số mẹo hay giúp bạn có thể dễ dàng cung cấp đủ nước cho cơ thể đấy!
Tips giúp bạn không quên uống đủ nước mỗi ngày
Uống nước mỗi ngày quan trọng như việc bạn cần phải hít thở mọi lúc vậy. Tuy nhiên, có đôi lần bạn quên mất việc mình cần uống nước, rồi đợi đến khi cơ thể nhắc nhở, bạn mới vội nạp ngay một ly nước. Hay với một số lý do rằng nước lọc chẳng mấy hấp dẫn, bạn chẳng thích uống thứ nước chẳng mùi chẳng vị chẳng màu ấy. Và để khắc phục tất tần tật những vấn đề đó, tui chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân mình về việc làm thế nào để uống đủ nước nhé!
Hãy giữ chai nước ở gần bạn hoặc luôn mang bên mình.
Trên bàn làm việc hay học tập hãy luôn có sẵn một ly chứa đầy nước. Hoặc khi ra ngoài hãy chắc chắn rằng chai nước đầy đã có sẵn trong túi của bạn. Điều đó sẽ luôn nhắc nhở bạn việc uống nước và không quên uống nước mỗi ngày.
Hãy đổ đầy bình / ly nước ngay sau khi cạn.
Đừng quên đổ đầy lại ly nước hoặc bình nước của bạn ngay sau khi nó hết, như vậy bạn sẽ luôn có nước bất cứ lúc nào.
Tự đặt mục tiêu cho bản thân.
Mục tiêu sẽ khiến bạn cố gắng hoàn thành nó. Hãy chuẩn bị sẵn một bình nước mang bên mình và cố gắng uống hết nó nhé!
Đặt nhắc nhở uống nước.
Nếu việc đặt mục tiêu bản thân không làm bạn hứng thú, thì sao chúng ta không thử chức năng đặt báo thức điện thoại nhắc nhở uống nước nhỉ. Hãy setup khung thời gian biểu lên đồng hồ của bạn và để chính nó báo thức cơ thể bạn mỗi ngày.
Uống nước sau khi đi vệ sinh.
Sau khi đi vệ sinh, cơ thể mất đi một lượng nước, và lúc đó hãy với lấy chai nước và uống ngay để bù lại lượng nước ấy nhé!
Thêm hương vị cho chai nước của bạn.
Chúng ta thích thức uống đẹp mắt, thích thức uống có hương vị nhưng không phải là nước ngọt có ga, không phải là cà phê hoặc trà, thì hãy lựa chọn nước detox. Sử dụng trái cây để làm nước detox, vừa tốt cho sức khỏe, vừa uống đủ nước nữa chứ. Và detox bạn hoàn toàn có thể tự làm tại nhà, hãy sử dụng những thực phẩm giàu nước như dưa leo, dâu tây, cần tây, bưởi, táo, dưa hấu,…để mix cho bạn một chai detox siêu ngon nha.
Quy tắc 1-1 khi uống rượu.
Quy tắc này tức là sau khi bạn uống xong 1 ly rượu sẽ là 1 ly nước. Điều này sẽ khiến bạn bù nước cho cơ thể mà không sợ bị mất nước vào ngày hôm sau đấy! Nếu để ý bạn sẽ thấy rằng, sau mỗi tối uống rượu bia, ngay sáng hôm sau bạn luôn cảm thấy khát nước và khô cổ họng. Vì vậy, đây là một cách hay bạn có thể áp dụng ngay cho mình và bạn nhậu cùng bàn nữa.
Tui hy vọng với 7 mẹo trên có thể giúp bạn có được một cách tuyệt vời để uống đủ nước trong một ngày đấy! Và nếu bạn có cách nào hay hơn nữa thì đừng quên chia sẻ cho gia đình TKCB biết nữa nha.
Bạn đừng quên uống đủ nước đấy!
Nước cần thiết cho sự sống của chúng ta hay mọi loài trên hành tinh này. Nước có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, từ lòng đất ẩm cho tới các đỉnh băng lạnh ngắt. Và chúng ta không thể sống mà không có nước được.
Cơ thể chúng ta cần nước để duy trì sự sống, để tăng độ ẩm cho da, để góp phần vào quá trình hoạt động của não bộ, thận, mạch máu và cơ bắp. Vì vậy, các bạn hãy đừng quên uống đủ nước mỗi ngày đấy nhé!
Các bạn hãy áp dụng cách uống nước đúng và đủ cũng như những mẹo giúp bạn nạp đủ lượng nước cần thiết trong một ngày qua bài viết này cho mình nha.
Bạn đã uống đủ bao nhiêu nước một ngày? Hay bạn có mẹo hay giúp uống nước đủ mỗi ngày không? Hãy chia sẻ ngay với TKCB và chúng ta cùng thực hiện thử thách uống đủ nước mỗi ngày nhé! Tui làm được, còn bạn?