Cholesterol luôn là mối quan tâm của chúng ta ngày nay, khi nó là nguyên nhân dẫn tới xơ vữa động mạch, đau tim hoặc đột quỵ. Nếu một ngày “xấu trời” bạn đi tới bác sĩ và bị chẩn đoán có chỉ số mỡ máu cao thì thủ phạm chính là hàm lượng cholesterol trong cơ thể của bạn đấy!
Nhưng bạn có biết cholesterol cũng có kẻ xấu và người tốt không, và đa số mọi người đều “ôm” cả cholesterol tốt cũng như cholesterol xấu về một dạng rồi tránh né nó. Vì vậy, hôm nay, tui sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình về cholesterol, cũng như “lên án” về tác hại cholesterol xấu gây ra đối với chúng ta.
Sau đây là một câu chuyện về cholesterol cao – Qua đó bạn sẽ thấy nó đã ảnh hưởng “ghê gớm” như thế nào tới sức khỏe của chúng ta đấy!
Mục Lục
“Triệu hồi” danh tính Cholesterol cao
Cholesterol là một loại lipid, nó có dạng sáp gần giống với chất béo và phần lớn được sản xuất một cách tự nhiên bởi gan. Cholesterol đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể chúng ta trong hình thành màng tế bào, sản sinh hormone cần thiết và vitamin D.
Tuy nhiên, cholesterol là một chất không thể tan được trong nước hay máu. Vì vậy, để giúp cho quá trình vận chuyển cholesterol trong cơ thể cần có sự trợ giúp của các lipoprotein.
Lipoprotein này là các loại hạt hình thành từ chất béo và protein, chúng có tác dụng mang cholesterol và triglycerides đi qua máu. Lipoprotein gồm có 2 dạng chính là LDL cholesterol (lipoprotein mật độ thấp) và HDL cholesterol (lipoprotein mật độ cao).
Khi máu trong cơ thể chứa quá nhiều LDL cholesterol thì được gọi là cholesterol cao. Nếu không được điều trị kịp thời, cholesterol cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta, và là tác nhân gây ra những cơn đau tim hay đột quỵ rất nguy hiểm.
Và đó là lý do vì sao chúng ta cần phải khám phá về cholesterol cao, để hiểu và biết cách phòng tránh nó đấy các bạn.
Nhằm hiểu rõ tận gốc về cholesterol cao, các bạn hãy cùng tui đi tìm LDL cholesterol, để hiểu tại sao nó lại là nguyên nhân gây ra cholesterol cao nhé!
LDL cholesterol “ghê gớm” như thế nào?
LDL là gì? – LDL chính là từ viết tắt bởi Low-density lipoprotein, dịch ra tiếng việt có nghĩa là lipoprotein mật độ thấp.
LDL cholesterol được gọi là cholesterol xấu, chuyên đi gây hại khi nó mang cholesterol đến các động mạch rồi để luôn ở đó. Và nếu LDL cholesterol cao sẽ dẫn tới sự tích tụ trên thành động mạch, sự tích tụ này hay còn được gọi là các mảng bám cholesterol. Với các mảng bám ấy sẽ khiến cho động mạch của chúng ta hẹp lại, hạn chế sự lưu thông máu và từ đó tăng nguy cơ đông máu. Nếu cục máu động chặn ở động mạch trong tim thì sẽ dẫn tới những cơn đau tim, hay chặn ở não thì dẫn tới nguy cơ đột quỵ.
Vậy còn HDL cholesterol là gì nhỉ?
HDL cholesterol – một thiên thần dẫn lối
HDL là từ viết tắt của High-density lipoprotein, tiếng việt nghĩa là lipoprotein mật độ cao. Được biết đến là một cholesterol tốt, khi LDL mang cholesterol đến động mạch rồi bỏ lại đó thì HDL sẽ mang cholesterol dư thừa trả lại cho gan để loại bỏ. Và điều đó giúp cho cơ thể chúng ta ngăn chặn được các mảng bám cholesterol tích tụ trong động mạch.
Trái ngược với LDL cholesterol, HDL cholesterol cao sẽ giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ.
Lipoprotein vận chuyển cholesterol và triglycerides trong mạch máu, vậy triglycerides là gì? Có phải là một loại cholesterol hay không?
Hiểu như thế nào về Triglycerides?
Triglycerides hoàn toàn khác với cholesterol cả nhà nhé! Trong khi cơ thể chúng ta sử dụng cholesterol để xây dựng các tế bào và một số hormone nhất định thì triglycerides như một nguồn năng lượng vậy.
Khi chúng ta nạp quá nhiều calo mà cơ thể cần, ngay lập tức, các calo đó sẽ được chuyển đổi thành triglycerides và được lưu trữ trong các tế bào mỡ của chúng ta. Trong quá trình vận chuyển, triglycerides sử dụng các lipoprotein để đưa qua máu đấy!
Ồ, ra là triglycerides không hề giống cholesterol, nhưng tồn tại giống với cholesterol, cũng tích tụ mỡ trong máu và được vận chuyển bởi các lipoprotein.
Để có một cơ thể khỏe mạnh, việc kiểm soát mức cholesterol trong cơ thể cũng như triglycerides là vô cùng quan trọng. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về việc kiểm soát cholesterol để bảo vệ sức khỏe của mình nhé!
Chú ý tới mức cholesterol trong cơ thể bằng cách kiểm tra định kỳ
Nếu bạn từ 20 tuổi trở lên, tui khuyên các bạn nên có thói quen kiểm tra hàng lượng cholesterol trong cơ thể mỗi năm một lần vì sức khỏe của mình. Còn nếu bạn có tiền sử cholesterol cao hoặc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, việc kiểm tra cholesterol thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ là cực kỳ cần thiết đấy nhé!
Kiểm tra cholesterol trong cơ thể dựa vào chỉ số của cholesterol tổng thể, LDL cholesterol, HDL cholesterol và cả triglycerides.
Ai cũng muốn có một cơ thể khỏe mạnh, một hàm lượng cholesterol tốt để ngăn chặn các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như giảm được mỡ máu trong cơ thể. Và sau đây, tui gửi tới các bạn một số tips nho nhỏ để không khiến cholesterol mình tăng cao và xấu đi mỗi ngày.
TIPS giúp ngăn cholesterol cao trong cơ thể
À, hãy theo dõi cả hàm lượng đường bên trong sản phẩm đấy nữa nha.
Đừng sợ ăn quá nhiều cholesterol sẽ ảnh hưởng tới mức cholesterol trong cơ thể bạn. Vì qua chế độ ăn uống, bạn có thể giúp tăng HDL cholesterol có lợi và giảm LDL cholesterol có hại đấy!
Tìm kiếm chất béo không bão hòa và tích cực sử dụng chúng. Khác với chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, chất béo không bão hòa có ảnh hưởng khá tốt đến HDL trong cơ thể chúng ta. Vì vậy, sử dụng dầu ô-liu thay cho các loại bơ, ăn thịt nạc và sử dụng hạt dinh dưỡng cho những bữa ăn nhẹ thật “healthy” nha.
Tiếp theo đây, tui chia sẻ với các bạn những chỉ số của nồng độ cholesterol khi chúng ta đo được nhé! Hãy ngâm cứu về nó để giúp cho bạn hiểu được chỉ số cholesterol của chính mình mà chẳng cần đến bác sĩ luôn.
Bảng đo nồng độ cholesterol và triglycerides
Dưới đây là bảng chỉ số đo nồng độ cholesterol toàn phần, LDL cholesterol, HDL cholesterol và triglycerides mà bạn nên biết đấy!
Cholesterol toàn phần | HDL cholesterol | LDL cholesterol | Triglycerides | |
---|---|---|---|---|
Bình thường | Dưới 5,2 mmol/l (dưới 200 mg/dl) | Trên 0,9 mmol/l (trên 35 mg/dl) | Dưới 2,6 mmol/l (dưới 100 mg/dl) | Dưới 2,26 mmol/l (dưới 200 mg/dl) |
Chạm ngưỡng | Từ 5,2 - 6,2 mmol/l (từ 200 - 239 mg/dl) | n/a | Từ 2,6 - 3,6 mmol/l (từ 100 - 129 mg/dl) | Từ 2,26 - 4,5 mmol/l (từ 200 - 400 mg/dl) |
Cao | Trên 6,2 mmol/l (trên 240 mg/dl) | n/a | Từ 3,3 - 4,1 mmol/l (từ 130 - 159 mg/dl) | Từ 4,5 - 11,3 mmol/l (từ 400 - 1000 mg/dl) |
Thấp | n/a | Dưới 0,9 mmol/l (dưới 35 mg/dl) | n/a | n/a |
Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu tổng quát về cholesterol cao và triglycerides rồi, vậy nguyên nhân dẫn tới cholesterol cao nguy hiểm như vậy là từ đâu? Các biến chứng của nó để lại như thế nào? Chúng ta hãy cùng tiếp tục tìm hiểu trong phần dưới đây cả nhà nhé!
Cholesterol cao – Nguyên nhân, biến chứng và cách phòng bệnh
Tất cả mọi sự đều có nguyên nhân của nó, vậy nguyên nhân vào dẫn tới tình trạng cholesterol cao là gì?
Nguyên nhân khởi sự
Cholesterol cao phần lớn do thói quen sinh hoạt hàng ngày, ăn uống hay có thể do di truyền mà ra. Và dưới đây là một số nguyên nhân chính đã khởi sự cho cholesterol cao trong cơ thể chúng ta, đó là:
- Ăn quá nhiều thực phẩm có cholesterol cao không tốt cho cơ thể như các món khoai tây chiên, phô mai que, thịt xông khói, bánh kẹo ngọt,…. Sử dụng nhiều chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống.
- Lối sống ít vận động như không thường xuyên tập thể dục, không tích cực đi bộ, chạy bộ, chỉ ngồi làm việc văn phòng,…
- Thói quen hút thuốc lá.
- Không cần phải bàn cãi gì luôn bởi thuốc lá có hại không chỉ cho phổi, cho gan mà còn là tác nhân làm cho LDL cholesterol tăng cao, ảnh hưởng tới sự tích tụ mảng bám cholesterol không cần thiết.
- Có thể di truyền theo gen được truyền từ bố mẹ sang con cái.
- Một số ít trường hợp do rối loạn di truyền, ảnh hưởng đến khả năng cơ thể bị ngăn cản loại bỏ LDL cholesterol xấu.
- Các tình trạng sức khỏe khác như tiểu đường hay bệnh suy giáp cũng ảnh hưởng đến cholesterol cao trong cơ thể mỗi người.
Đó là nguyên nhân gây ra tình trạng cholesterol cao. Vậy nếu cholesterol cao sẽ biến chứng nguy hiểm như thế nào?
Biến chứng đáng sợ của cholesterol cao
Nếu cholesterol cao mà không được chữa trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng khôn lường cho sức khỏe. Sự tích tụ các mảng bám cholesterol trong động mạch sẽ ngày một dày lên, và theo thời gian, các động mạch dần thu hẹp lại dẫn tới tình trạng xơ vữa động mạch xảy ra. Sau đó sẽ ảnh hưởng đến lưu thông máu qua động mạch, rồi tăng dần nguy cơ phát triển các cục máu đông.
Xơ vữa động mạch không thể xem nhẹ, nó gây ra các biến chứng như đột quỵ, đau tim, đau thắt ngực, cao huyết áp, bệnh mạch máu ngoại biên hay thậm chí ảnh hưởng tới thận nữa đấy!
Trời ơi, cholesterol cao mang đến những nguy hiểm đáng sợ như vậy, làm cách nào để giảm cholesterol trong cơ thể chúng ta đây?
Cách giúp bạn giảm cholesterol hiệu quả
Để giảm cholesterol một cách tự nhiên nhất, việc đầu tiên hãy thay đổi chế độ ăn uống của bạn như:
- Sử dụng chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa trong dinh dưỡng mỗi ngày. Đừng quên bổ sung omega-3 rất có lợi cho tim mạch đấy!
- Như việc tích cực ăn hạt dinh dưỡng (nguồn chất béo không bão hòa cực tốt) như hạt hạnh nhân, hạt điều,… và tích cực ăn nhiều loại cá thay cho ăn thịt.
- Không sử dụng chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa để giúp giảm lượng cholesterol trong cơ thể, phòng bệnh tim mạch, béo phì hay tiểu đường.
- Hãy nhanh chóng “bái bai” khoai tây chiên, gà chiên, các món ăn tráng miệng hấp dẫn như bánh ngọt, đồ uống ngọt,…
- Theo dõi hàm lượng carbohydrate nạp vào cơ thể.
- Ăn nhiều chất xơ có lợi cho cơ thể.
Tiếp theo là thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày như:
- Thường xuyên tập thể dục thể thao, ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày một tuần.
- Đi làm về sau một ngày dài đã rất mệt rồi, thời gian đâu bạn có thể đi tới phòng tập gym hay chạy bộ quanh khu mình ở? Ấy, đừng suy nghĩ như vậy, tập thể dục sẽ khiến cho bạn có sức khỏe tim mạch tốt hơn và giảm được cholesterol trong cơ thể như giảm LDL cholesterol có hại đó.
- Nói không với thuốc lá.
- Sử dụng rượu bia ở mức độ cho phép.
- Hãy giảm cân nếu bạn đang bị quá khổ nhé!
– Xem thêm: Cách uống nước đầy đủ và hợp lý mỗi ngày.
Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm thực phẩm chức năng như dầu cá, psyllium hay coenzyme Q10 đều tốt cho việc giảm cholesterol trong cơ thể và mang đến HDL cholesterol có lợi đấy!
Tuy nhiên, ngoài những cách tự nhiên ở trên, bạn còn có thể sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc giúp làm giảm cholesterol tùy theo kết quả kiểm tra nồng độ cholesterol trong cơ thể của mình, và vì vậy hãy luôn kiểm tra hàm lượng cholesterol định kỳ các bạn nhé!
Các bạn đừng quên theo dõi thêm về bài viết 11 nhóm thực phẩm giàu cholesterol nên và không nên ăn, cũng như tips 9 cách tự nhiên giúp bạn giảm lượng cholesterol một cách tự nhiên của TKCB để biết thêm nhiều mẹo hay và để phòng tránh cholesterol cao cho cơ thể của mình nha.
Sau tất cả…
Cholesterol cao là mối nguy hiểm không của riêng ai, vì vậy chúng ta cần đề phòng nó mọi nơi, mọi lúc và trong mọi chế độ ăn uống của mình đấy!
Và sau tất cả, các bạn đã có thể tìm ra được nguyên nhân khiến cholesterol cao và những biến chứng khôn lường của nó. Từ đây, các bạn hãy luôn giữ gìn sức khỏe của mình bằng cách không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao và thay đổi thói quen trong chế độ ăn uống của mình nhé! Và này, hãy đừng quên kiểm tra nồng độ cholesterol định kỳ để có thể kiểm soát chúng một cách tốt nhất cho sức khỏe của chính mình nhé!