Thật chẳng có gì ngạc nhiên khi một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh được mẹ bầu áp dụng ngay từ trước và trong khi mang thai sẽ trở thành món quà tuyệt vời cho sự phát triển sau này của em bé.
Mỗi một thìa bạn ăn, mỗi một ngụm bạn uống, thậm chí là mỗi suy nghĩ và hành động của bạn đều ảnh hưởng đến em bé trong bụng. Vậy thì ngoài việc luôn vui vẻ lạc quan, biết cách vận động nhẹ nhàng phù hợp, những bà mẹ tương lai còn cần lưu ý điều gì trong chế độ ăn uống để em bé được thừa hưởng những điều tốt nhất?
Hãy tham khảo một số vấn đề mà tụi tui đưa ra sau đây để có thêm một số kinh nghiệm nho nhỏ dành cho bà bầu nhé!
Mục Lục
1) Bà bầu thiếu sắt nên ăn gì?
Thiếu sắt trong thời kỳ mang thai là chuyện khá là hay gặp ở các bà bầu, đặc biệt là những người có thể trạng sức khỏe yếu hoặc lần đầu mang thai, còn chưa có kinh nghiệm.
Nếu bạn gặp phải tình trạng thường xuyên hoa mắt chóng mặt, cơ thể mệt mỏi thì rất có thể bạn đang thiếu máu (thiếu sắt) đấy nhé.
Nhưng mà mẹ bầu cũng đừng quá lo lắng, bạn hoàn toàn có thể bổ sung sắt bằng việc ăn uống đầy đủ và đúng chuẩn dành cho bà bầu.
Trong quá trình mang thai, cơ thể của mẹ và bé đều có nhu cầu về lượng máu nhiều hơn bình thường, để có thể nuôi dưỡng em bé phát triển khỏe mạnh. Vậy bà bầu thiếu máu nên ăn gì để đáp ứng được lượng máu cần thiết nhỉ?
Bạn có thể tham khảo các loại thực phẩm giàu chất sắt thân thiện với bà bầu trong danh sách sau để bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày nè:
- Các loại rau lá xanh đậm: rau bina, rau cải xoăn, súp lơ;
- Trái cây sấy khô: mơ, mận, nho khô, sung;
- Quả mâm xôi và dâu tây;
- Củ cải, khoai tây;
- Các loại đậu: đậu Hà Lan và đậu lăng, đậu nành,…
- Trứng, đặc biệt là lòng đỏ
- Thịt: đặc biệt là thịt đỏ như thịt bò và gan động vật, thịt lợn, thịt gà và thịt cừu,…
- Cá, ngao, hàu, sò và các loại hải sản;
- Ngũ cốc, hạt dinh dưỡng và mì ống;
- Bột yến mạch và bánh mì nguyên hạt.
Ngoài ra, tăng cường thêm vitamin C cũng giúp mẹ bầu tăng khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Các loại trái cây họ cam, quýt, ớt chuông, súp lơ chính là những chiến binh hỗ trợ đắc lực đấy mẹ bầu nhé.
Và trong một số trường hợp, bạn cũng nên sử dụng thực phẩm bổ sung sắt để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu hấp thu của cơ thể. Tuy nhiên dùng như nào, liều lượng ra sao thì cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ nhé!
Bạn có thể đọc thêm về những loại khoáng chất khác cũng quan trọng không kém gì sắt trong bài viết này: Vitamin và khoáng chất đã “song kiếm hợp bích” cùng mẹ bầu như thế nào?
2) Bầu 3 tháng đầu nên ăn gì?
Trong suốt cả quá trình mang thai chín tháng mười ngày, em bé trong bụng sẽ trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, điều đó cũng tương ứng với việc nhu cầu dinh dưỡng của hai mẹ con cũng thay đổi từng giai đoạn.
Đặc biệt, trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ, các cơ quan của em bé bắt đầu hình thành, quan trọng nhất chính là sự hình thành não và tủy sống. Vậy nên bà bầu nên ăn gì trong 3 tháng đầu là câu hỏi mà nhiều mẹ bầu quan tâm tìm hiểu.
Những dưỡng chất mẹ bầu cần đặc biệt bổ sung trong ba tháng đầu gồm sắt, folate (axit folic), DHA, kẽm, vitamin A, C và D, canxi và protein. Và các thực phẩm giúp mẹ bầu bổ sung đủ lượng dưỡng chất cần thiết này bao gồm:
- Trứng;
- Các loại đậu đỗ: đậu phộng, các loại đỗ xanh, đen…
- Sữa, sữa chua, phô mai;
- Thịt bò, thịt gà, hải sản;
- Các loại rau lá xanh đậm;
- Các loại cá có dầu: cá hồi;
- Các loại trái cây, đặc biệt là loại có múi: cam, quýt, bưởi;
- Các loại hạt dinh dưỡng: hạt óc chó, hạt điều, hạt macca,…
Tham khảo thêm: Điều kì diệu mà các loại hạt dinh dưỡng dành tặng bạn khi mang thai
Trong thời gian này, rất có thể mẹ bầu sẽ gặp phải những triệu chứng nôn, buồn nôn, mệt mỏi khó chịu do bị nghén. Theo kinh nghiệm hổng phải của tui thì mẹ có thể chuẩn bị một số món ăn vặt như hạt dinh dưỡng, trái cây sấy và các loại trái cây có múi để có thể giảm bớt các triệu chứng khó chịu, đồng thời vẫn bổ sung được những dưỡng chất cần thiết và tăng cường sức đề kháng.
Xây dựng thực đơn hợp lý ngay từ những ngày đầu mang thai chính là điều cơ bản mà mỗi mẹ bầu cần phải làm, bạn cũng đừng quên nhé!
3) Bà bầu nên ăn gì trong 3 tháng giữa?
Về bản chất, các loại thực phẩm và chất dinh dưỡng mà mẹ bầu cần đều phải được bổ sung trong suốt thời kỳ mang thai, dù là 3 tháng đầu hay ba tháng giữa. Tuy nhiên, do sự phát triển của em bé trong 3 tháng giữa này sẽ có sự khác biệt so với ba tháng đầu, thế nên loại dưỡng chất mà mẹ cần tập trung hơn sẽ có một chút khác biệt.
Trong giai đoạn này, khi mà các dấu hiệu nôn nghén đã giảm bớt và hầu như không còn, mẹ cần tranh thủ bù đắp lại những dưỡng chất mà có thể đã bị thiếu do quá trình nôn nghén trong ba tháng đầu.
Đây là giai đoạn bé yêu trong bụng bạn tăng cường phát triển về hệ thống thần kinh và não bộ, các dây thần kinh, hệ tuần hoàn cũng như hình thành xương và răng. Bởi vậy bạn cần đặc biệt bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi, vitamin D, magie và omega-3.
Ngoài ra thì các chất dinh dưỡng thiết yếu như sắt, kẽm, folate, chất đạm cũng vẫn bổ sung đầy đủ như ở 3 tháng đầu mang thai.
Vậy thì bà bầu nên ăn gì trong 3 tháng giữa được nhỉ? Câu trả lời đến từ các loại dưỡng chất thiết yếu tui vừa kể trên. Bạn hãy tham khảo bảng sau cho thực đơn chuẩn trong thời kỳ mang thai này nha:
Dưỡng chất | Thực phẩm cung cấp dồi dào |
---|---|
Canxi | Sữa, trứng, quả hạnh, bông cải xanh, cá mòi và cá hồi có xương, đậu phụ, thực phẩm tăng cường canxi như sữa cho bà bầu, viên uống bổ sung canxi. |
Sắt | Thịt nạc đỏ (thịt bò), gan động vật, hải sản nấu chín, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh đậm (bông cải xanh, cải xoăn,...) và các thực phẩm bổ sung sắt. |
Folate | Các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau lá xanh đậm, bao gồm rau bina, bắp cải, trái cây có múi như cam, bưởi, quýt, các loại hạt dinh dưỡng và thực phẩm bổ sung folate. |
Vitamin D | Cá có dầu: cá hồi, dầu gan cá, gan bò, phô mai và lòng đỏ trứng, một số loại nấm tiếp xúc với nắng mặt trời và thực phẩm bổ sung vitamin D. Tắm nắng sớm khoảng 15 phút mỗi ngày. |
Axit béo omega-3 | Các loại cá có dầu: cá hồi, cá trích và cá mòi, dầu gan cá, hạt lanh, hạt chia và thực phẩm bổ sung omega-3. |
4) Khi mang thai không nên ăn gì?
Bạn có biết rằng, khi mang thai, bạn ăn gì thì em bé trong bụng bạn ăn cái đó. Bạn ăn đồ bổ, thì em bé cũng được ăn, mà bạn tiêu thụ các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe thì em bé cũng phải nhận những tác hại từ các loại thực phẩm đó.
Vậy phụ nữ có thai không nên ăn gì? Các thực phẩm nào cần tránh khi mang thai? Đây là danh sách bạn bắt buộc phải nhớ:
- Hạn chế ăn các loại cá có thủy ngân cao: cá mập, cá kiếm, cá ngừ, cá thu.
- Không ăn các thực phẩm chưa nấu chín: gỏi cá, thịt bò tái, trứng sống, các loại rau sống… để tránh bị nhiễm khuẩn từ động vật có thể gây nhiễm trùng, sinh non, sảy thai và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
- Hạn chế ăn nội tạng động vật, chỉ nên ăn 1 tuần một lần, tránh ngộ độc vitamin A và béo phì thai kỳ.
- Tránh xa các chất kích thích: rượu, bia, trà, cà phê, thuốc lá… để tránh ảnh hưởng xấu từ các chất này, mà đặc biệt là ảnh hưởng đến thần kinh, tim mạch, tiểu đường.
- Đừng uống sữa chưa tiệt trùng hay ăn phô mai chưa tiệt trùng vì chúng có thể gây nhiễm trùng như các loại thực phẩm sống ở trên. Thậm chí nước ép rau củ cũng cần phải cân nhắc vì cũng tăng khả năng nhiễm khuẩn.
- Hạn chế đồ ăn nhanh và các thực phẩm chế biến sẵn để giảm thiểu nguy cơ mắc phải tiểu đường và béo phì trong thời kỳ mang thai. Thậm chí em bé sinh ra cũng dễ bị bẩm sinh các bệnh này.
Mẹ bầu không nên ăn gì, nên ăn gì đều là những vấn đề cần quan tâm khi bạn chuẩn bị mang thai, và phải thực hiện thật tốt khi bạn đang ở trong giai đoạn nhạy cảm này. Đừng bỏ sót bất kỳ chi tiết nào nhé.
5) Mẹ mới sinh nên ăn gì?
Mang thai cần các chất dinh dưỡng như thế này, cần tránh các loại thực phẩm như thế kia. Vậy còn sau khi em bé ra đời, trong thời gian cho con bú thì mẹ mới sinh nên ăn gì để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé yêu?
Thật ra thì, sau khi sinh mẹ không cần bất kỳ loại thực phẩm đặc biệt nào cả đâu. Mẹ chỉ cần lựa chọn bất kỳ ứng cử viên nào trong danh sách các thực phẩm siêu bổ dưỡng cũng đều đủ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cả bạn và thiên thần nhỏ rồi.
Điểm mấu chốt ở đây là mẹ phải cân bằng được lượng calories và dinh dưỡng nạp vào, kết hợp với việc tập thể dục nhẹ nhàng phù hợp, để cả hai mẹ con đều đạt được mục tiêu của mình là được.
Một vài lưu ý dinh dưỡng mẹ cần note ngay vào sổ tay chăm con nè:
- Thực đơn phải đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng từ vi lượng đến đa lượng, không nên ăn kiêng trong ba tháng đầu tiên;
- Uống đủ nước (nước, sữa, nước trái cây) để có sữa cho con bú. Khoảng 6-10 ly mỗi ngày nhé;
- Bổ sung thực phẩm giàu protein để hồi phục sức khỏe sau sinh và duy trì sức khỏe trong thời gian chăm con. Vậy nên mẹ đừng kiêng ăn thịt, cá nha;
- Hạn chế đồ ăn vặt để tránh bị thừa cân và cũng là tránh truyền những “thứ” không phải là dưỡng chất cho em bé qua đường sữa mẹ;
- Ăn nhiều rau củ quả đã được rửa sạch để bổ sung vitamin và tăng cường sức đề kháng cho bé, tránh bị táo bón ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ tiêu hóa;
- Món ăn vặt lành mạnh cho mẹ mới sinh nên là các loại hạt dinh dưỡng từ thiên nhiên, vừa đỡ “buồn mồm” mà lại tốt cho con ^ ^!
Bên cạnh đó thì mẹ bầu mới sinh nên kiêng các chất kích thích, thực phẩm sống,… tương tự như khi mang thai. Bởi vì bạn ăn gì, uống gì cũng trở thành một thành phần của sữa mẹ. Em bé thích dòng sữa ngọt ngào tự nhiên của mẹ chứ không thích vị đắng của trà hay cà phê đâu nha mẹ!
Chuyện mang bầu, sinh con, chăm con quả thật là gian nan vất vả, nhưng mà rất xứng đáng phải không các mẹ? Đây cũng như một cuộc chạy marathon bạn ạ, bạn không thể chạy nước rút vì nó rất dài, nhưng bạn có thể lựa chọn cách xử lý ở mỗi giai đoạn nhất định. Có như vậy thì hai mẹ con mới đồng hành vui vẻ bên nhau.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào muốn trao đổi, hãy liên hệ Facebook của tụi tui để thảo luận nhiều hơn nhé! Và đừng quên chia sẻ bài viết này đến những người cũng đang quan tâm như bạn và để lại comment dưới bài viết để cho tụi tui biết suy nghĩ của bạn nhé!
Chào bác sĩ! Em muốn nhờ bác sĩ tư vấn giúp em em đang mang bầu đứa thứ 2 hiện nay bé đã được 7 tháng cân nặng chỉ được 495g, mặc dù đã đến tháng thứ 7 nhưng em vẫn không ăn được, ăn vào là nôn. Rất mong nhận được sự giúp đỡ từ bác sĩ!